Thử nhìn lại việc thực hiện phương thức “Đổi đất lấy cơ sở hạ tầng” của tỉnh BR – VT & chính sách sử dụng đất để xây dựng và phát triển kinh tế hiện nay

Trương Bình Tâm

Tác giả đã viết bài này trong nỗi bức xúc trước tình hình nóng bỏng về chính sách đất đai hiện nay. Bài đã được viết vào khoảng tháng 4 năm 2011 và đã được gửi cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy địa phương, cho báo Đảng địa phương, cho báo Nhân dân; gần đây đã gửi cho báo mạng VNN (vietnamnet), báo NLĐ (nguoi lao dong), TCCS (tap chi cong san), lẫn báo NNVN (nong nghiep viet nam) & Baodanviet theo địa chỉ E-MAIL đã được chính tòa soạn báo ấy công bố.

Thư gửi của người viết bài này hoặc đã không được hồi âm, hoặc đã bị ban quản trị mạng gửi trả lại; duy nhất báo mạng với địa chỉ tintucldo@gmail.com thì có thư hướng dẫn cách gửi bài, nhưng từ khi bài được gửi vẫn chưa thấy hồi âm.

Xin trích lại e-mail mà người viết bài này đã gửi các nơi trên (Xem * bên dưới):

Chủ tịch HCM lúc sinh thời đã nói: “Dân chủ là làm cho người dân được mở miệng”.

Như vậy, tác giả “muốn mở miệng mà không có cửa để mở miệng”nên đành phải đưa lên mạng “FB” mang tên của chính mình; âu cũng là một cách và là một cửa để “mở miệng”, nhằm chuyển tải nỗi bức xúc này đến với đồng bào, với Quốc hội, với Đảng & Nhà nước, tức để nội dung này “đến được nơi cần đến và đến được người cần nghe.

Ghi chú: Nếu ai đó tiếp tục chuyển tải bài này xin ghi rõ “nguồn từ Facebook của Trương Bình Tâm”.

Trương Bình Tâm

--------------

(*) Kính thưa Quí Tòa soạn & Quí Ban biên tập!

Tôi là Trương Bình Tâm, nguyên Phó chủ tịch thường trực UBND Tỉnh BR – VT, phụ trách lĩnh vực đất đai & Xây dựng cơ bản… của tỉnh trong niên khóa 1995 -1999, hiện ngụ tại số … Thành phố …

Tôi tự giới thiệu mình như một cách để tự chịu trách nhiệm về bài viết của mình được gửi cho quí Tòa soạn theo file đính kèm với mail này.

Mong được phản hồi của quí Tòa soạn về bài gửi này như một cử chỉ thân thiện trong văn hóa ứng xử.

Trân trọng kính chào! Trương Bình Tâm

Để phát triển nền kinh tế, một trong những yếu tố thiết yếu cơ bản hàng đầu phải giải quyết bao giờ cũng là bài toán về vốn tích lũy ban đầu. Thực tế lịch sử là các nước tư bản đầu tiên trên thế giới, ngoài sự bóc lột sức lao động và cướp đoạt thành quả lao động của người sản xuất trực tiếp thì nguồn tích lũy ban đầu nhanh nhất của các nhà tư bản thời “chủ nghĩa tư bản dã man” thưở ấy là tước đoạt ruộng đất của nông dân dưới sự hỗ trợ của nhà nước để tạo nên lực lượng lao động tự do hùng hậu với hai bàn tay trắng để họ không còn cách nào khác là phải bán sức lao động của mình với giá rẻ mạt cho các ông chủ công nghiệp. Ngay các nước được gọi là “con rồng”, “con hổ” sau này thì một trong những giải pháp vốn cơ bản của họ cũng là lấy vốn từ quĩ đất; chỉ có điều, việc làm của các nước này văn minh hơn là đã không lặp lại giai đoạn dã man “phi nhân bản” thuở cội nguồn của chủ nghĩa tư bản thông qua các chính sách của nhà nước trong các vấn đề cơ bản nhất như giải quyết thỏa đáng giữa lợi ích của người bị thu hồi đất với lợi ích cho các bên có liên quan, chi phí cho tái định cư, cho việc thích nghi với môi trường sinh thái và môi trường xã hội nơi ở mới và chi phí tái đào tạo nghề nghiệp cho lao động bị thu hồi đất v/v….

Việc làm của các nước được gọi là “con rồng”, “con hổ” này đã làm giảm nhẹ tính tước đoạt đối với đất đai và sự bần cùng hóa giai cấp nông dân trong tiến trình phát triển công nghiệp và đô thị hóa tất yếu của đất nước thông qua tính ngang giá của qui luật giá trị.

Thời nào và xã hội nào cũng vậy, vai trò nhà nước là một yếu tố không thể thiếu trong việc quản lý và sử dụng nguồn tư liệu sản xuất đặc biệt quí giá là đất đai này. Chính sách và thể chế quản lý của nhà nước trong lĩnh vực này quyết định vai trò và công dụng của đất đai đối với sự phát triển xã hội và đời sống con người trong xã hội; đặc biệt, đối với một đất nước nông nghiệp như nước ta, đất đai là một nền tảng vật chất có ý nghĩa sống còn, do đó chính sách và thể chế quản lý của nhà nước trong lĩnh vực này có ý nghĩa quan trọng biết nhường nào!

Thực tế ngày nay ở nước ta cũng cho thấy, quĩ đất không những là một nguồn tài nguyên vô cùng quí giá, mà còn là một nền tảng không thể thiếu được và là một nguồn nội lực to lớn để tạo vốn trong quá trình phát triển kinh tế. Nếu không có loại tư liệu sản xuất đặc biệt là đất đai này thì sẽ không có mặt bằng để đầu tư kinh tế, không thể kêu gọi được đầu tư từ trong nước lẫn ngoài nước và cũng không thể làm giàu cho đất nước và cho người dân. Thông qua việc sử dụng quĩ đất một cách có ý thức để phục vụ phát triển kinh tế của nhà nước trong gần hai thập niên qua đã tạo nên một sự chuyển mình ồ ạt gần như đồng loạt cả về chất lẫn về lượng trên qui mô cả nước trong phát triển kinh tế đã chứng minh điều đó.

Kết quả cụ thể ở tỉnh BR-VT, sau 19 năm kể từ ngày tỉnh có chủ trương “Đổi đất lấy cơ sở hạ tầng” (4/1992 – 4/2011) và 18 năm (2/1993 – 4/2012) kể từ ngày Chính phủ chính thức cho phép tỉnh thử nghiệm phương thức này, với nhiều năm cọ xát về nhận thức tư tưởng cả ở cấp Trung ương lẫn cả ở địa phương và nhiều bước thăng trầm trong quá trình thực hiện thì tỉnh BR-VT đã phát triển toàn diện về mọi mặt và có bộ mặt huy hoàng, rực rỡ như ngày nay. Chỉ tính đến đầu năm 2000, kết quả sau 8 năm xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật đã rút ngắn quá trình xây dựng của tỉnh trên dưới nửa thế kỷ (*) so với cách làm trước đấy, khiến đồng bào cả nước và kiều bào xa xứ nhiều năm, nay trở về đã đều công nhận đây quả là một phát triển thần kỳ và không tiếc lời khen ngợi.

(*) Tổng vốn đầu tư XDCB trong 8 năm này khoảng 1.700 tỷ/; mức đầu tư XDCB do Trung ương rót về cho tỉnh hàng năm bình quân từ 30 tỷ đến 40 tỷ/năm; để đạt được khối lượng XDCB nói trên phải mất khoảng từ trên 40 đến trên 50 năm.

“Đổi đất lấy hạ tầng” nếu gọi đúng bản chất kinh tế thị trường phải là “Tạo vốn từ quĩ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng”. Phương thức này là một sản phẩm hoàn toàn mang nhãn hiệu BRVT, xuất phát từ tư duy và nội lực của BRVT, được đề xuất và thực hiện lần đầu tiên trong cả nước tại tỉnh BRVT trước khi được Trung ương thừa nhận để trở thành phương thức chung được luật hóa và được áp dụng trên phạm vi cả nước. Đây là một sáng tạo hết sức mới mẻ và táo bạo mà tỉnh BR-VT đã cống hiến vào công cuộc đổi mới chung của đất nước, đã làm bừng sáng tư duy con người và bộ mặt của Tỉnh vào thập niên cuối cùng của thế kỷ 20.

Đặc điểm của BR-VT là đất hoang hóa từ các bãi bồi ven sông, ven biển, đất căn cứ quân sự của Mỹ, của Úc và của Chính quyền Sài-gòn bao chiếm để phục vụ chiến tranh còn khá mênh mông, khiến cho quỹ đất công của Tỉnh thời ấy còn rất lớn. Sự di dân ồ ạt sau thời kỳ giải phóng đất nước, cùng với việc đại bản doanh của ngành dầu khí được Chính phủ quyết định đặt trên địa bàn của Tỉnh đã kích thích và và tạo nên nhu cầu rất lớn về đất đai để xây dựng nhà ở, trường học, bệnh viện cũng như xây dựng công xưởng và xí nghiệp phục vụ cho ngành dầu khí. Từ chỗ quản lý đất đai của nhà nước trước đó bị thả lỏng, đất ở Bà Rịa - Vũng Tàu có giá “rẻ như bèo” nay bỗng trở nên “đắt như vàng”.

Xuất phát từ chức năng quản lý nhà nước về mặt đất đai và nhu cầu tạo vốn để phát triển kinh tế - xã hội cho Tỉnh, Ban lãnh đạo tỉnh lúc ấy đã sớm thấy vai trò và giá trị của đất đai nên đã có nghị quyết về sử dụng quỹ đất công hiện có của Tỉnh để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật cho cả lĩnh vực kinh tế lẫn lĩnh vực văn hóa và xã hội với phương châm “Dân & nhà nước cùng làm giàu”.

Qua quá trình thực hiện phương thức trên, không những nhà nước Tỉnh giàu lên mà dân cũng giàu lên do lợi ích kinh tế thiết thực cùng với những phúc lợi về văn hóa và xã hội cả tỉnh mang lại. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ trong dân cư, kể cả trong hàng ngũ cán bộ và công nhân viên nhà nước cũng trở nên giàu có một cách bất thường và gấp bội so với trước đây. Hầu như không có một người dân nào bị khánh kiệt và phá sản bởi hậu quả trực tiếp của phương thức này, trái lại khu đất nào được nhà nước thu hồi thì dân có đất xung quanh đó đều trở nên giàu có do giá trị đất bỗng nhiên được tăng gấp nhiều lần so với trước (đất từ vài ngàn và vài trăm ngàn đồng/m2 theo giá nhà nước, bỗng nhiên có giá hàng triệu và nhiều triệu đồng/m2 theo giá thị trường như đã từng xảy ra); người dân nào càng có nhiều đất trong và quanh vùng đó, hoặc những ai do am hiểu thời cuộc mà đón lõng được thời cơ và tậu được nhiều đất trong vùng xung quanh đó thì càng giàu to. Nói giàu to một cách bất thường là theo ý nghĩa ấy. Những công trình hay dự án nào có dính dáng đến đất của dân thì được nhà nước đền bù theo giá quy định kèm với một tỷ lệ trợ cấp, sao cho tổng mức đền bù mà người có đất bị thu hồi nhận được tương đương với giá thị trường lúc ấy; ngoài ra họ còn được mua lại một nền nhà giá rẻ trên khu đất công dành cho việc tái định cư đối với người có đất bị thu hồi; hoặc đối với các dự án nhà ở thì họ còn được mua một vài căn hộ theo giá phải chăng ban đầu trên đất bị thu hồi, nếu bán lại những thứ đó thì họ còn thu thêm được một khoản chênh lệch giữa giá mua và giá bán một lần nữa. Đối với người tính toán căn cơ thì với thu nhập được nhà nước đền bù nói trên họ sẽ lại tậu mới một cơ sở đất khang trang bằng, hoặc lớn hơn rất nhiều lần so với cơ sở đã có trước đấy ở những địa bàn mà giá đất còn chưa bị cơn sốt đất làm nóng (nếu lại được thời, cơn sốt đất lại đến thì họ sẽ làm giàu một lần nữa và tiếp tục làm giàu theo phương thức này).

Có thể nói, nếu không do tai họa bất thường, hoặc do cờ bạc và trở nên lười biếng sau khi nhận được một số tiền đền bù khổng lồ mà một người bình thường chưa từng có được trong đời thì không có người lao động chân chính nào ở BR-VT bị bần cùng hóa do phương thức này cả. Thực tế tại tỉnh BR-VT cho thấy:

“Dân & Nhà nước cùng giàu” là tính nhân văn của phương phương thức này.

“Dân & Nhà nước cùng giàu” thể hiện bản chất “do dân và vì dân” và tính nhân bản của nhà nước ở phương châm này.

Qua các lần thanh tra và kiểm tra một cách nghiêm túc, gay gắt và không khoan nhượng của Tỉnh lẫn của Trung ương, sai trái và sơ suất trong cách làm thì không thể nào tránh khỏi, nhưng đều không phát hiện được bất cứ một trường hợp hay một hiện tượng nào tham ô dù lớn hay nhỏ từ đất, hoặc tiền thu được từ quỹ đất của tỉnh.

Có thể nói không ngoa, việc bừng lên ngoạn mục với qui mô đồ sộ và đầy hiệu quả ngay tiếp theo sau việc tạo vốn từ quĩ đất của tỉnh BRVT thì tích lũy vốn từ quĩ đất đã trở thành một trong những phương thức tích lũy vốn cơ bản và chính thức của nhà nước trên qui mô cả nước (nếu không nói là cơ bản hàng đầu) và là phương thức tích lũy ban đầu (tích lũy nguyên thủy) không những để phát triển nền kinh tế mà còn để làm giàu của nhiều cá nhân.

Trong thời gian đầu việc tạo vốn từ quĩ đất đã được BRVT và các tỉnh thực hiện khá tốt và có hiệu quả, bởi trong giai đoạn đó quĩ đất công còn khá dồi dào nên việc thu hồi đất chưa dính dáng nhiều đến đất của dân đang sử dụng. Mặt yếu của phương thức này chỉ thể hiện khi nhà nước bắt đầu thu hồi đất đang có chủ sử dụng (ngoài quĩ đất công) và bất cập này trở nên nghiêm trọng hơn khi đất bị thu hồi từ chổ để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho kinh tế và xã hội trở thành hàng hóa mua bán trực tiếp dưới dạng đất thô, hoặc sản phẩm bất động sản dưới dạng thành phẩm, hoặc bán thành phẩm. Bất cập nằm ở chỗ việc thu hồi đất chưa giải quyết thỏa đáng giữa quyền lợi của nhà nước và quyền lợi của dân; bất cập này càng trầm trọng hơn khi có kẻ lợi dụng quyền lực của mình để trục lợi riêng, khiến lợi ích của nhà nước lẫn của dân đều bị xâm hại.

Chỉ có thể giải thích sự khác nhau về tác động của việc sử dụng quĩ là ở cách làm. Mà cách làm thì chủ yếu xuất phát từ động cơ và nhận thức của người làm luật lẫn của người thực thi luật, bởi vì ở thời buổi mà khẩu hiệu sống và làm việc phải theo pháp luật thì cách làm chính thống là đều do qui định của pháp luật.

Rất tiếc, khi cả nước chính thức thực hiện phương thức này thì không có bất cứ một cuộc tổng kết rút kinh nghiệm nào ở cấp thừa hành lẫn ở cấp chỉ đạo trên các phương diện vi mô lẫn vĩ mô trước khi luật hóa phương thức này, khiến những bất cập còn ẩn chứa ngay trong lòng của phương thức này (chi phí cho sự thích nghi nơi tái định cư mới, chính sách đào tạo nghề cho người bị thu hồi đất, khả năng lạm dụng chính sách đất đai v/v..) chưa được nhận dạng và khắc phục.

Luật Đất đai do Quốc hội ban hành ngày 26 tháng 11 năm 2003 tuy đã có nhiều bổ sung và thay đổi tiến bộ hơn so với trước, song vẫn còn nhiều hạn chế. Có lẽ hạn chế lớn nhất của luật này là chế độ đền bù và giá đền bù vẫn theo khung giá được xây dựng trên nguyên tắc của thời bao cấp, nhà nước vẫn độc quyền quản lý đất đai và giá cả vẫn do nhà nước qui định; khoảng cách quá lớn giữa giá qui định của nhà nước dùng để đền bù cho đất bị thu hồi và giá cuối cùng của các dự án ở đầu ra sau nhiều lần luân chuyển thể hiện sự thiệt thòi và mất mát của người bị thu hồi đất - mà chủ yếu là người nông dân - là bất hợp lý đến nhường nào.

Nếu coi giá đền bù cho đất bị thu hồi là giá “đầu vào” và giá bán đất sau khi thu hồi là giá “đầu ra”, đồng thời coi việc khống chế chặt chẽ giá “đầu vào” theo khung giá qui định, nhưng lại thả lỏng theo giá thị trường đối với giá “đầu ra” theo chuyển biến của thị trường là một sự “thị trường hóa nửa vời”, chỉ có lợi cho bên thu hồi lẫn bên kinh doanh đất thì thấy rõ sự bất công và phi lý hệ thống giá đền bù hiện nay đối với người bị thu hồi đất. Đây cũng là lý do và cơ hội để những quan chức có thế lực và những nhà đầu cơ trung gian làm giàu bất chính trên cơ sở thiệt hại của người dân bị thu hồi đất.

Hạn chế thứ hai là Chính phủ giao quyền hạn quá lớn trong việc quản lý và sử dụng đất đai cho địa phương và chính quyền cơ sở mà thiếu cơ chế giám sát và chế tài tương xứng đối với đối tượng này, ngược lại còn nặng về biện pháp chế tài đối với người bị hại là các đối tượng bị thu hồi đất. Nghị định số 69/2009 ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ qui định bổ sung về qui hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được ban hành nhằm khắc phục phần nào những nhược điểm trên; nhưng trong khoảng cách 6 năm giữa hai văn bản luật này thì sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội đã xảy ra và đã được định hình. Ai làm giàu thì đã kịp làm giàu, ai bị bần cùng thì đã kịp rơi xuống đến tận đáy xã hội. Mọi sự đã an bài. Nghị định nói trên của Chính phủ không những không kịp cứu vãn được tình hình mà sự việc vẫn chưa có gì thay đổi đáng kể. Có nghĩa là Nghị định này vẫn còn bất cập ở những điểm nào đó.

Có lẽ, một trong những bất cập cơ bản vẫn còn chưa được khắc phục vẫn là việc nghị định này vẫn còn giao quyền hạn quá lớn trong việc quản lý và sử dụng đất đai cho địa phương và chính quyền cơ sở mà thiếu cơ chế giám sát và chế tài tương xứng đối với đối tượng này; sai trái xảy ra vẫn không có ai là người chịu trách nhiệm chính; lỗi vẫn được đùn đẩy cho “cơ chế” mà không hỏi rằng ai là người làm ra “cơ chế”.

Một điều rất tiến bộ được đưa ra rất sớm từ một hội nghị, hội thảo nào đó tại TPHCM là hãy biến người người bị thu hồi đất trở thành những cổ đông được hưởng cổ tức lâu dài từ công trình đầu tư, nhưng đề xuất đó đã chìm trong quên lãng cho đến tận ngày 26 tháng 11 năm 2003 mới lại thấy xuất hiện tại điều 106 trong luật đất đai đã được Quốc hội phê chuẩn (điều 106: Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất); thế nhưng sau đấy lại không có văn bản nào qui định và hướng dẫn thực hiện cụ thể về điểm này và hình như cũng chưa thấy dấu hiệu doanh nghiệp nào mặn mà với hình thức góp vốn này hơn là hình thức đền bù cho dân, vì họ và những phần tử trục lợi có liên quan sẽ không được hưởng trọn chênh lệch giá đất kếch xù phát sinh sau này.

Việc khắc phục các bất cập này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và nhiều điều kiện nên không thể “một sớm, một chiều” mà làm được. Việc trước mắt cần làm sớm là tiếp tục khắc phục triệt để hơn nữa mâu thuẫn và cũng là bất cập mấu chốt của việc thu hồi đất là sự mất cân đối giữa quyền lợi của nhà nước và của dân; đồng thời ngăn chặn một cách có hiệu quả và xử lý thích đáng những trường hợp lạm dụng quyền lực để trục lợi của một số không nhỏ các phần tử đang có quyền lực hiện nay, bằng cách giao quyền hạn hợp lý hơn trong việc quản lý và sử dụng đất đai cho địa phương và chính quyền cơ sở, song song với việc kiện toàn và tăng cường hơn nữa cơ chế giám sát và chế tài tương xứng đối với đối tượng này.

Một hệ thống pháp luật mà cơ chế giám sát và chế tài mất cân đối và không tương xứng với thực trạng xã hội là một hệ thống pháp luật kém hiệu quả, cần được bổ sung và sửa đổi.

Có đặt mình vào vị trí của người bị thu hồi đất mới thấy được sự vô lý của hệ thống giá đền bù và các qui định về biện pháp cưỡng chế hiện nay là như thế nào.

Một chuyện cụ thể nữa có thể và cần phải làm là qui định và hướng dẫn ngay việc góp vốn bằng quĩ đất của người bị thu hồi đất vào các công trình được xây dựng nếu họ muốn, trước mắt là: Nghiêm cấm việc biến các vùng đất qui hoạch cho các dự án thành qui hoạch treo(*); người dân có quyền khai thác trên đất của mình cho đến ngày nhận được đầy đủ tiền đền bù và các khoản hỗ trợ theo chính sách của nhà nước qui định, dù đã có quyết định thu hồi đất để giao cho dự án dù; ai buộc người dân ngừng khai thác trên đất đã thu hồi phải đền bù theo giá trị thu nhập bình quân trên đất ấy tính từ ngày người bị thu hồi đất bị buộc ngưng khai thác đến thời điểm người ấy nhận đủ tiền đền bù và các khoản hỗ trợ theo qui định của nhà nước.

Có đặt mình vào vị trí của người bị thu hồi đất mới thấy được sự trái đạo lý của các qui hoạch treo là như thế nào.

(*) Qui hoạch treo là một “cái cớ” để những kẻ có chức có quyền núp dưới danh nghĩa nhà nước mà “xí phần” bằng cách thu hồi trước đất của dân khi chưa có dự án, chưa có qui hoạch để “rao bán”, hoặc “đấu giá ngầm” mảnh đất ấy theo giá mà họ mong muốn; đồng thời cũng là “cái cách” để các thành phần “được giao đất” đủ thời gian chạy thủ tục “thay đổi mục đích sử dụng đất”, biến đất nông nghiệp có thời gian sử dụng ngắn hạn với “giá rẻ như bèo” trở thành đất dự án có thời gian sử dụng vô hạn với “giá cao ngất ngưởng” để kiếm lợi nhuận kếch xù trên cơ sở thiệt hại của người bị thu hồi đất trong thời gian “qui hoạch treo”.

Hy vọng các góp ý này, trước mắt sẽ góp phần triệt tiêu một phần không nhỏ những bất cập và mâu thuẫn cơ bản đã nêu trên;

Hy vọng tỉnh BR-VT với tư cách là tỉnh đã phất ngọn cờ đầu trong việc đề xuất và thực hiện phương thức tạo vốn từ quĩ đất sẽ lại đi đầu để góp phần tích cực trong việc khắc phục các bất cập trong lĩnh vực này;

Hy vọng Nhà nước ta, một nhà nước “do dân & vì dân” sẽ thấu hiểu hơn ai hết những bất cập được nêu trên và nhu cầu tháo gỡ những bất cập ấy là bức xúc đến chừng nào trong thời điểm hiện nay đối với lợi ích của người dân và lòng tin của người dân đối với nhà nước./.

T.B.T

Nguồn: trang Facebook của Trương Bình Tâm

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn