Mong Thủ tướng "cứu" VQG Cát Tiên thoát khỏi thủy điện

Nguyễn Huỳnh Thuật

clip_image003

 

Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A  có thể sẽ dẫn đến một vài nguy cơ với VQG Cát Tiên. Ảnh minh họa

 
Dòng sông Đồng Nai như là mạch máu chính của "Mẹ Thiên Nhiên Cát Tiên" cho muôn tỷ loài và là nguồn sữa chính nuôi dưỡng hàng triệu người trong khu vực và hạ lưu, nếu mạch máu của mẹ bị nghẽn mạch, sữa mẹ bị ô nhiễm thì điều gì sẽ xảy ra và ai sẽ chịu trách nhiệm?

LTS: Ngày 26/7, Bee.net.vn nhận được email của ông Nguyễn Huỳnh Thuật – Chuyên gia bảo tồn, đa dạng sinh học và phát triển cộng đồng – công tác tại Vườn Quốc gia Cát Tiên đã bày tỏ ý kiến của mình. Ông nêu lên những lo ngại về hệ lụy cộng hưởng của Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đến rừng đặc dụng VQG Cát Tiên - Khu Dự trữ Sinh quyển Quốc tế Đồng Nai và bày tỏ mong muốn Thủ tướng sẽ cân nhắc về hai Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A.  Để rộng đường dư luận, Bee.net.vn xin đăng tải bài viết trên.

Đừng để phải thay logo VQG Cát Tiên

Những ai đã từng sống ở đây - nơi tôi thường gọi và xem là “Mẹ hiền Thiên Nhiên Cát Tiên” đều hiểu rằng khu rừng đại ngàn này giống như một cơ thể vĩ đại, màu nhiệm, linh thiêng và rất dễ bị tổn thương. Bất cứ một tác động nào dù nhỏ đều ảnh hưởng đến toàn cơ thể Mẹ. Dòng sông Đồng Nai chảy qua Cát Tiên.

Bản báo cáo đánh giá tác động môi trường (EIA) gửi Bộ TN-MT thẩm định do công ty chủ đầu tư thủy điện thuê tư vấn thực hiện thiên về hiệu quả kinh tế. Trong khi đó, báo cáo EIA cần phải công khai và có đánh giá toàn diện, tổng thể, khách quan gồm những tác động xấu đến môi trường, mất mát đa dạng sinh học trong mối quan hệ biện chứng chặt chẽ với Khu Ramsar, tê giác Việt Nam có nguy cơ sắp tuyệt chủng, cảnh quan thiên nhiên, những tác động đến văn hóa trong mối quan hệ với không gian văn hóa cồng chiêng và cảnh quan văn hóa.

Di chỉ văn hóa Óc Eo nơi đây đang được nghiên cứu bổ sung làm cơ sở đề nghị UNESCO công nhận là khu di sản văn hóa thế giới, nhất là hệ tri thức bản địa của người Mạ dọc sông Đồng Nai. Đa dạng văn hóa là nền tảng và kho tàng trí tuệ để bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển bền vững. Mất mát về đa dạng văn hóa không những kéo theo mất mát về đa dạng sinh học và ngược lại, mà còn làm mất ổn định xã hội cùng những hệ lụy khó lường khác trong mối quan hệ biện chứng chặc, cộng hưởng.

Theo tôi, Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A trong mối quan hệ biện chứng tổng thể, chiến lược có thể sẽ dẫn đến một vài nguy cơ và thách thức dưới đây:

1. Loài tê giác đặc hữu Việt Nam sẽ sớm bị tuyệt chủng và biểu tượng tê giác trên logo vườn quốc gia Cát Tiên được thế giới biết đến hiện nay sẽ bị thay thế bằng logo khác.

2. Khu dự trữ sinh quyển có nguy cơ sẽ đưa vào danh sách các di sản thế giới bị đe dọa.

3. Mất mát nhiều giá trị văn hóa truyền thống vốn gắn liền với dòng sông Đồng Nai trong hệ thống kiến thức bản địa.

4. Mất mát nhiều giá trị đa dạng sinh học quý và tiềm ẩn, nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng đang được thế giới quan tâm cứu giúp cũng biến mất.

5. Bất ổn định xã hội và nhiều khó khăn cho công cuộc bảo tồn.

6. Ảnh hưởng không tốt đến hợp tác quốc tế về bảo tồn, gìn giữ và phát triển bền vững Cát Tiên.

7. Khu Ramsar sẽ bị đe dọa và có nguy cơ rút khỏi danh sách các khu Ramsar thế giới.

8. Ảnh hưởng xấu đến niềm tin, sự cống hiến của các nhà khoa học, nhà bảo tồn, nhà tài trợ và đặc biệt là những cán bộ, những người địa phương gắn bó và giữ rừng từ lâu nay và lâu dài, dẫn đến chảy máu chất xám, sự ra đi của những cán bộ thật sự năng lực và tâm huyết. Đây là sự mất mát lớn và rất khó lượng giá, không thể lượng giá.

9. Hậu quả lớn của sự ảnh hưởng cộng hưởng cùng với những cộng trình thủy điện trong hệ thống sông Đồng Nai dẫn đến nước ngọt ở thượng lưu về hạ lưu sẽ gây mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên về nguồn nước ngọt. Nước mặn xâm nhập từ cửa biển sẽ tràn, lấn sâu vào ở các vùng hạ lưu, các nhà máy lấy nước ngọt phục vụ cho hàng triệu người dân sống dọc ở trên khu vực sông Đồng Nai và ở các tỉnh, thành lân cận...

Vận dụng điều gì để bảo vệ Mẹ Thiên Nhiên?

Các khu rừng đặc dụng nói chung và đặc biệt là các khu vực có tầm quan trọng về văn hóa, tinh thần (sacred sites) luôn là điểm ngắm hấp dẫn của các nhà đầu tư, kinh doanh. Các bài học kinh nghiệm trên thế giới và tại Việt Nam từ những kế hoạch hay dự án phá rừng, cảnh quan để xây dựng và phát triển không bền vững vẫn còn nguyên giá trị.

Các khu vực nhạy cảm cho đầu tư các hoạt động kinh doanh có thể được nhà nước chính thức công nhận và đưa vào hệ thống các khu rừng đặc dụng như VQG Tam Đảo, VQG Ba Vì, VQG Cát Tiên. Cũng có thể nằm ngoài hệ thống các khu rừng đặc dụng như trường hợp Công viên Thống Nhất, Đồi Vọng Cảnh,…

Tuy nhiên cả hai khu vực này đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt liên quan đến việc công nhận giá trị tổng thể và quản lý chúng. Trong quá trình thành lập, công nhận và quản lý các khu vực nhạy cảm, giá trị văn hóa, tinh thần, tâm linh và hệ thống kiến thức bản địa thường không được hiểu đầy đủ bị hoặc lờ đi. Điều này dẫn đến sự không hiểu và tin tưởng lẫn nhau, tạo nhiều xung đột và cản trở phát triển quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa dân với chính quyền từ bao đời nay.

Những người vốn bảo vệ tốt các khu vực này nay trở thành nạn nhân của quá trình phát triển không bền vững. Họ rất dễ bị tổn thương, dễ du nhập các luồng văn hóa ngoại lai theo hướng có hại. Nhiều người trong số họ trở thành lâm tặc hay tay sai cho bên ngoài.

Trong quá trình hội nhập, công nghiệp hóa và toàn cầu hóa, các nhà đầu tư thường theo hướng năng suất cao và thu hồi vốn nhanh, hay phớt lờ tính thiêng liêng của khu vực nhạy cảm mình định đầu tư, xem nhẹ không gian đa dạng, cảnh quan tự nhiên và văn hóa trong khu vực. Kết quả là môi trường sinh thái nhân văn và môi trường sinh thái tự nhiên bị xâm hại và làm mất ổn định xã hội, làm hỏng mục đích kinh tế của chính doanh nghiệp.

Khi chúng ta hiện chưa có các tiêu chí và lộ trình có hệ thống rõ ràng, chuẩn mực cho việc đầu tư và quản lý các khu vực này, chúng ta nên sớm có chính sách và cơ chế phù hợp, đặc thù cho việc quản lý tổng thể, quy hoạch chiến lược và đầu tư, phát triển bền vững theo đúng tinh thần trong Chương trình Nghị sự 21 (Agenda 21) và cam kết quốc tế tại những khu vực nhạy cảm và vô cùng quan trọng này, cũng như tham khảo và vận dụng cho phù hợp các hướng dẫn quốc tế có liên quan. Cụ thể:

1. Hướng dẫn của UNESCO/IUCN về bảo tồn và quản lý các khu vực tự nhiên linh thiêng (The UNESCO/IUCN Guidelines for the Conservation and Management of Sacred Natural Sites);

2. Công ước Đa dạng Sinh học Akwé: Hướng dẫn Kon về Đánh giá Tác động Văn hóa, Môi trường và Xã hội Liên quan đến Dự án Phát triển Ảnh hưởng Khu vực Thiêng liêng (The CBD Akwé: Kon Voluntary Guidelines for the Conduct of Cultural, Environmental and Social Impact Assessment Regarding Developments Proposed to Take Place on, or which are Likely to Impact on, Sacred Sites and on Lands and Waters Traditionally Occupied or Used by Indigenous and Local Communities);

3. Tuyên bố Yamato cho cách tiếp cận tổng hợp để bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể (The Yamato Declaration on Integrated Approaches for Safeguarding Tangible and Intangible Cultural Heritage)

Những bài học kinh nghiệm từ các dự án thủy điện Sông Ba, Đường cao tốc qua Vườn quốc gia Cúc Phương, Đồi Vọng Cảnh, Tam Đảo II, Ba Vì, Công viên Thống Nhất… đã có.

Dòng sông Đồng Nai như là mạch máu chính của "Mẹ Thiên Nhiên Cát Tiên" cho muôn tỷ loài và là nguồn sữa chính nuôi dưỡng hàng triệu người trong khu vực và hạ lưu, nếu mạch máu của mẹ bị nghẽn mạch, sữa mẹ bị ô nhiễm thì điều gì sẽ xảy ra và ai sẽ chịu trách nhiệm?

Thủ tướng đã quyết tâm rút giấy phép đầu tư các dự án lớn tại khu rừng đặc dụng và nơi yên bình, linh thiêng cho nhiều người dân địa phương như ở Tam Đảo II (Dự án Tam Đảo 2), Công viên Thống Nhất (Dự án xây dựng khách sạn, tổ hợp vui chơi giải trí tại khu vực Công viên Thống Nhất) với bao lãng phí và tiền thuế của nhân dân… Mong Thủ tướng cân nhắc việc có nên hay không thực hiện dự án Thủy điện 6 và 6A.

Nguyễn Huỳnh Thuật là chuyên gia bảo tồn, đa dạng sinh học và phát triển cộng đồng công tác tại Vườn Quốc gia Cát Tiên (CTNP) từ năm 2000, sau khi tốt nghiệp loại giỏi Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh và tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành Môi trường quốc tế và phát triển nông thôn tại Tokyo, Nhật Bản. Anh hiện phụ trách chính về khoa học, hợp tác quốc tế và rừng cộng đồng tại CTNP.

N.H.T.

Nguồn: bee.net.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn