Máu người không phải nước lã

Tương Lai

Nhân ngày 27.7.2011

Trong những ngày tháng bảy nặng trĩu suy tư này, cùng với nén nhang thắp lên mộ liệt sĩ và lá thư gửi người bạn thương binh vượt quá tuổi “xưa nay hiếm” đã lâu vẫn đang gò lưng trên trang viết có thể đưa lên trang báo, trang mạng những lời tâm huyết, lại phải dày vò trong sự lý giải về những hy sinh vô bờ bến của dân tộc mình để tồn tại và phát triển đăng tìm lối ra cho những day dứt, băn khoăn.

Một câu hỏi đặt ra: nguồn mạch nào đã tạo ra ý chí và sức mạnh của dân tộc ta vượt qua những thử thách chiến tranh nối tiếp chiến tranh vô cùng tàn khốc, thế hệ này sang thế hệ khác kế tiếp nhau cầm vũ khí chiến đấu không ngừng không nghỉ bất chấp mọi hy sinh? Liệu có phải ông cha ta đã từng giải thích điều đó. Lục tìm trong ký ức bài thơ “Gốc Lửa” [Nguyên hỏa] của Thiền sư Khuông Việt thế kỷ XI:

Mộc trung nguyên hữu hỏa

Nguyên hỏa phục hoàn sanh

Nhược vị mộc vô hỏa

Toàn toại hà do manh

 

[Tạm dịch: Trong cây vốn có lửa/ Sẵn lửa, lửa mới sinh ra/ Nếu cây không có lửa/ Khi cọ xát sao lại thành]. Bản lĩnh Việt Nam được tôi luyện trong cái thế trứng chọi đá mà muốn tồn tại thì phải thường trực cảnh giác và ngoan cường, chỉ một chút lơi lỏng, dao động là mất nước. Bởi vậy mới có câu “Đầu tôi chưa rơi, xin bệ hạ đừng lo” của Trần Thủ Độ trấn an vua Thái Tông. Nhưng rồi trước sức uy hiếp của giặc, Thánh Tông và Nhân Tông vẫn băn khoăn. Để chấm dứt sự dao động, Trần Hưng Đạo quyết liệt hơn: “Bệ hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi”! “Nếu cây không có lửa”, nếu hồn thiêng sông núi không hun đúc nên một bản lĩnh, khí phách và tài thao lược của “Đức Thánh Trần” thì làm sao quy tụ được lòng dân, quan quân “một lòng phụ tử” để khắc lên cánh tay hai chữ “Sát Thát”!

Chính sách “ngụ binh ư nông” của thời Trần thế kỷ XIII vẫn cứ phải kéo dài cho đến thế kỷ XXI và chắc sẽ còn phải bổ sung, cập nhật, sáng tạo thêm. Thì đấy, chỉ sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, non sông quy vào một mối chưa được bao lâu, hậm hực vì một Việt Nam hùng mạnh cản trở những tham vọng nung nấu từ thời đế quốc Nguyên Mông muốn tràn xuống Đông Nam Á, một cuộc chiến đẫm máu nữa đã được phát động. Cho dù đã có những danh tướng như Toa Đô phải rơi đầu, Ô Mã Nhi phải nằm trong bụng cá, vẫn chưa đủ “dạy” cho chúng những “bài học”! Cơn khát năng lượng khiến cho “cái lưỡi bò” tham lam liều lĩnh vẫn cứ thè ra bất chấp pháp lý và đạo lý!

Trước nanh vuốt của kẻ thù, từ người lính đến người dân trĩu nặng lòng yêu nước, thuộc mọi tầng lớp xã hội, chính kiến, tôn giáo trong nước và nước ngoài… đã kiên trì đấu tranh, khi thầm lặng, khi quyết liệt trên tất cả các mặt trận từ quân sự đến chính trị, ngoại giao… Vậy thì cái gì đã hun đúc nên sức quật khởi kỳ diệu của chủ nghĩa yêu nước sâu nặng, thà hy sinh tất cả chứ nhất quyết không làm nô lệ của người Việt Nam ta? Liệu có phải do lời răn dạy của ông cha ta, khi “sơn hà nguy biến” thì phải bằng sức mạnh toàn dân để hóa giải, “gươm dơ lấy nước làm sạch, nước dơ lấy máu làm sạch”.

Máu của biết bao thế hệ Việt Nam đã thấm đẫm trên từng thước đất, thước nước từ Trường Sơn ra đến Biển Đông. Ai có thể đếm được, để tồn tại, dân tộc này phải trả giá bao nhiêu sinh mạng Việt Nam, bao nhiêu cơ nghiệp, nhà cửa, đền thờ, chùa chiền, mồ mả ông cha… bị tàn phá trong cuộc chiến đấu tàn khốc quyết giành cho được độc lập và thống nhất đất nước, tự do và hạnh phúc cho nhân dân? Máu chảy ruột mềm, ai đã ngả xuống trên mảnh đất này, dù ở trên chiến tuyến nào cũng đều chung dòng máu Việt Nam trong huyết quản.

Vậy mà vết thương của chiến tranh đâu đã thôi rỉ máu. Làm sao cảm thông đủ được với những nạn nhân của chất độc màu da cam mà nhiều người, nhiều gia đình đang gánh chịu? Theo nhiều nhà khoa học thế giới, số người bị nhiễm chất độc này ở Việt Nam không phải chỉ dừng ở con số 4,8 triệu người mà có thể là hàng chục triệu người, tác động của chất độc khủng khiếp này không chỉ là 20 năm mà có thể trên cả 100 năm với những di truyền về sinh thái đặc biệt gây ra tình trạng sảy thai, lưu thai hoặc có con bị dị tật bẩm sinh. Theo Beatrice Eisman và Vivian Raineri *, trong thập niên 1980, chỉ riêng tại bệnh viện Từ Dũthành phố Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày có một trẻ sơ sinh ra đời với dị tật bẩm sinh. Chất độc quái ác này đâu có phân chia chiến tuyến và ý thức hệ để gây tác hại! Có biết bao những cảnh ngộ éo le của không ít gia đình Việt Nam mà bát nhang của các con mình trên bàn thờ lại từng là những người đã đứng bên này và bên kia chiến tuyến.

Trong trái tim của người mẹ ở vào cảnh ngộ ấy, liệu có chịu đựng nổi sự phân chia như thế mãi không? Nỗi đau trên cơ thể của nhiều người do chiến tranh để lại đôi khi lại tấy lên vì những rơi rớt của sự kỳ thị, những dấu vết của định kiến chưa xoá được hết. Nỗi đau này của dân tộc làm sao đo được? Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh nói với nhà báo nước ngoài hơn một tháng trước khi qua đời:Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi[1]. Và vì thế, ngay khi chính quyền cách mạng còn trong trứng nước trước sức uy hiếp của thù trong giặc ngoài, Hồ Chí Minh vẫn đau đáu mối lo: “nếu nước độc lập mà dân không được hưởng tự do hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì!” [2] để cố sức đáp ứng những đòi hỏi của dân. Người dân nói chung, đặc biệt là những gia đình đã có con em ngã xuống trong chiến tranh, những thương bệnh binh đang gánh chịu những mất mát khó bù đắp thì sự đòi hỏi ấy càng bức xúc.

Xin chỉ gợi ra đây một chuyện. Từ một lá thư của độc giả gửi đến người đang viết những dòng này khẩn thiết kêu gọi sự quan tâm giúp đỡ ông bố của anh: một thương binh đang bị hành hạ bởi chất độc da cam trong khi một mảnh đạn vẫn còn nằm trong đầu chưa gắp ra được. Bức thư có đoạn: “qua quá trình điều trị tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông, bệnh viện đã xác định bố cháu bị xơ gan, ung thư gan, tiểu đường típ 2. Vào năm 2010, bố cháu đã 3 lần được bệnh viện đưa đến giám định tại Trung tâm Giám định chất độc da cam của Bệnh viện. Trong 3 lần ấy, các bác sĩ tại đây đã làm các xét nghiệm đầy đủ và đã có kết luận là bố cháu bị nhiễm chất độc màu da cam [Trong số 120 người đến giám định, sau khi loại dần chỉ còn lại 6 người, sau đó còn 3 người thì bố cháu ở trong diện 3 người đó]. Mặc dầu vậy, trong thời gian qua, bố cháu chưa hề nhận được bất cứ sự trợ giúp nào của Nhà nước theo như chính sách đã quy định. Vừa rồi, bố cháu lại nhận được giấy gọi đi giám định lần thứ 4 vào ngày 14.4.2011 tới. Trong tình trạng bệnh tình nguy kịch của bố cháu hiện nay, bố cháu vẫn bị bắt khiêng đi giám định…”.

Bốn lần giám định mà chi phí đều do người bệnh gánh chịu và đã có kết luận hình như vẫn chưa đủ để nhận được một trợ giúp cho người thương binh nhâp ngũ tháng 7.1967 và chiến đấu trên các mặt trận, nơi Mỹ rải nhiều chất da cam nhất. Trong cơn túng quẫn của gia đình, anh H. tình cờ đọc được bài báo của người đang viết những dòng này và gửi thư cầu cứu. Bức thư được chuyển đến báo Đại Đoàn Kết, và Tổng biên tập đã có phản hồi tích cực, cử phóng viên về địa phương tìm hiểu và có bài phóng sự đăng trên số báo ra ngày 24.6.2011. Và, oái oăm thay, sự quan tâm của ngôn luận lại đến quá muộn, trước đó mấy ngày, bố anh H. đã lìa đời để không thể nghe đọc bài phóng sự tình nghĩa nóng bỏng kia. Tìm cách trao tờ báo ra muộn này cho anh, con trai của người xấu số, anh H. ứa nước mắt đau đớn: “Thế là Bố cháu không còn đọc được tin vui này để vơi đi phần nào nỗi đau đớn và u uất”. Vậy mà anh vẫn chân thành cám ơn người chuyển tờ báo và rồi mấy ngày sau, người này nhận được gói nụ vối anh gửi tặng để tỏ lòng biết ơn!

Trong sương sớm, giữa sự tĩnh lặng của thành phố mang tên Bác, ngồi nhâm nhi ngụm nước vối nghĩa tình để suy ngẫm về thời cuộc và thân phận con người qua câu chuyện của người cựu chiến binh từng đổ máu trên chiến trường. Vị chát đắng quen thuộc của hương thơm nụ vối đọng lại trong cổ, sao hôm nay bỗng chua chát và cay đắng? Bất giác không cầm được nước mắt. Thoáng trong óc lời bài hát Trịnh Công Sơn: “…Giọt nước mắt thương dân/ Dân mình phận long đong…Ôi dòng nước mắt trong tim/ Chảy lai láng vào hồn…”**.

Nước mắt Việt Nam nào cũng có vị mặn, máu của cơ thể Việt Nam nào cũng màu đỏ. Bỗng nhớ đến một cuốn sách của ai đó có nhan đề “Máu người không phải nước lã” để rồi vận vào mình: máu của dân tộc mình chắc chắn không phải là nước lã!

T.L.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Nguồn trích dẫn:

1. Hồ Chí Minh Toàn tập. Tập 12. NXB CTQG, Hà Nội, 1995, tr. 560.

2. HCM Toàn tập. Tập 4. NXB CTQG, Hà Nội 1995, tr.56.

* Dioxin damage Scientists urge study of the effects of Agent Orange _ USVFA 4oct01, New Internationalist, 5. 1996.

** Trịnh Công Sơn. Giọt nước mắt cho quê hương

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn