Hai viện Quốc hội Đức thông qua luật từ bỏ điện hạt nhân

Đức Tâm

clip_image001

Một nhà máy điện hạt nhân của Đức tại Phillipsburg, tây nam nước Đức. REUTERS/Kai Pfaffenbach

Hôm nay, 8/7/2011, Thượng viện Đức, - Bundesrat đã thông qua đạo luật liên quan đến việc từ bỏ điện hạt nhân. Cũng giống như ở Hạ viện cách nay vài hôm, tại Thượng viện, đa số áp đảo các đại diện các bang đã bỏ phiếu thuận thông qua đạo luật, theo đó, lò phản ứng hạt nhân cuối cùng tại Đức sẽ dừng hoạt động muộn nhất là vào năm 2022.

Như vậy, Đức, một trong những cường quốc công nghiệp hàng đầu thế giới, đã từ bỏ vĩnh viễn điện hạt nhân. Đức có 17 lò phản ứng hạt nhân. Trong số này, 7 lò phản ứng cũ nhất, đã dừng hoạt động sau thảm họa Fukushima của Nhật Bản, sẽ không được đấu nối với mạng lưới điện quốc gia. Lò thứ tám, sau nhiều lần bị sự cố, chắc chắn sẽ không được tái khởi động. Chín lò còn lại sẽ lần lượt ngừng hoạt động trong giai đoạn từ 2015 đến 2022.

Thực ra, vào năm 2000, chính phủ của đảng Xã hội Dân chủ liên minh với đảng Xanh đã quyết định từ bỏ điện hạt nhân. Lịch trình ra khỏi điện hạt nhân đã bị từ bỏ sau khi liên minh bảo thủ - tự do lên cầm quyền, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của công luận Đức. Quyết định này đã làm dấy lên một làn sóng chống điện hạt nhân, với nhiều cuộc biểu tình khổng lồ diễn ra ở các thành phố lớn của Đức.

Theo giới quan sát, vấn đề quay trở lại điện hạt nhân đã tác động đến uy tín của Thủ tướng Angela Merkel và đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo của bà. Đây là cũng là một trong những nguyên nhân làm cho Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo bị thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử ở bang Bade-Wurtemberg, nơi mà đảng này nắm quyền lãnh đạo từ 58 năm qua.

Khi bỏ phiếu thông qua đạo luật từ bỏ điện hạt nhân, Thượng viện Đức cũng thông qua một loạt các biện pháp bổ xung, liên quan đến việc xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện, chạy bằng than và khí, cho phép bù lại số lượng điện sẽ bị thiết hụt. Hiện tại, điện hạt nhân chiếm khoảng 22% trong tổng sản lượng điện quốc gia.

Điện gió sẽ được khuyến khích phát triển với mục tiêu tăng gấp đôi sản lượng so với mức hiện nay, tức là sẽ chiếm tới 35% trong tổng sản lượng điện quốc gia, từ nay đến năm 2020. Đây là một điều kiện rất quan trọng, nếu như Đức muốn thực hiện cam kết giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, làm tăng nhiệt độ trên trái đất. Nước Đức hy vọng vào năm 2020, sẽ giảm tới 40% lượng khí thải so với mức năm 1990 và từ 80 đến 95% vào năm 2050.

Đ.T.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn