Vụ tàu Minh Binh 02 và Viking II: Âm mưu biến vùng không tranh chấp thành tranh chấp

clip_image001(PL)- Năm 2009, Trung Quốc chính thức đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” - một yêu sách cực kỳ phi lý, không được bất cứ nước nào thừa nhận. Từ đó, hàng loạt vụ khiêu khích đã xảy ra trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phải lên tiếng về âm mưu biến vùng biển không tranh chấp thành vùng tranh chấp này của Trung Quốc. Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi với TS Nguyễn Toàn Thắng, chuyên gia về luật biển, ĐH Luật Hà Nội (ảnh).

TS Nguyễn Toàn Thắng nói: Yêu sách “đường lưỡi bò” chiếm 80% biển Đông và hành vi cản trở, cắt cáp tàu thăm dò địa chấn của Việt Nam nằm trong ý đồ hiện thực hóa “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Chiến lược “biến mọi sự thành chuyện đã rồi”

. Gần đây, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang tìm cách hiện thực hóa “đường lưỡi bò”. “Hiện thực hóa” nên hiểu là thế nào?

+ Khi chính thức đưa ra yêu sách về “đường đứt khúc chín đoạn” trông như cái lưỡi bò ấy bằng Công hàm CML/17/2009 lên Liên Hiệp Quốc ngày 7-5-2009, Trung Quốc không nêu được cơ sở pháp lý chặt chẽ nào và bị nhiều quốc gia phản đối. Vì vậy, họ thực hiện chiến lược “biến mọi chuyện thành sự đã rồi” bằng cách triển khai các hoạt động mà họ gọi là “chấp pháp trên biển” trong phạm vi “đường lưỡi bò”.

Bằng cách ấy, họ đang đánh lừa dư luận khiến cộng đồng quốc tế lầm tưởng Trung Quốc có quyền đối với vùng biển mà Trung Quốc đã tuyên bố, qua đó được “cộng đồng quốc tế thừa nhận” sự tồn tại của “đường lưỡi bò”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chỉ rõ rằng Trung Quốc đang muốn biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp. Tại sao Trung Quốc lại muốn làm việc đó?

+ Theo Công ước Luật Biển 1982, quốc gia ven biển có quyền xác định vùng nội thủy và lãnh hải (thuộc chủ quyền quốc gia) và vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (thuộc quyền chủ quyền quốc gia). Các quốc gia liền kề hoặc đối diện gần nhau, khi xác định các vùng nước này có thể xuất hiện “vùng chồng lấn”. Theo Công ước, vùng biển đó được hiểu là vùng tranh chấp và các bên phải thỏa thuận với nhau để đạt giải pháp công bằng.

Tàu hải  giám Trung Quốc  vi phạm nghiêm trọng chủ quyền vùng biển Việt Nam

Vị trí các tàu hải giám Trung Quốc vi phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam và cắt cáp của tàu Bình Minh 02. Đường gạch đỏ đứt khúc là ranh giới vùng đặc quyền kinh tế thuộc Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Khu vực hai tàu Bình Minh 02 và Viking II bị tàu Trung Quốc cản trở, quấy rối, cắt phá cáp đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và không hề có “chồng lấn” nào cả. Nhưng Trung Quốc đã tiến hành những hoạt động bất hợp pháp, để biến vùng không tranh chấp đó thành tranh chấp. Qua đó họ úp mở, gợi ý các bên gác tranh chấp cùng Trung Quốc khai thác tài nguyên.

Không thể có “vùng chồng lấn” ở đây!

. Khu vực biển Đông hiện đang có những vùng nào, được nước nào coi là tranh chấp và không tranh chấp?

+ Trên biển Đông có nhiều loại tranh chấp. Tranh chấp về xác lập chủ quyền lãnh thổ liên quan tới quần đảo Hoàng Sa (giữa Việt Nam-Trung Quốc) và quần đảo Trường Sa (Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Brunei, Malaysia, Đài Loan)…

Riêng tranh chấp liên quan tới “vùng chồng lấn”, cho đến nay, ta khẳng định chỉ có ở vùng vịnh Bắc Bộ, giữa ta với Trung Quốc, đã giải quyết ổn thỏa; và vùng vịnh Thái Lan mà ta và các nước đang đàm phán. Còn những vùng biển như nơi xảy ra hai vụ cắt phá cáp là hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, không có “chồng lấn” gì cả.

Phía Trung Quốc một mặt đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò”, mặt khác cho rằng các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của họ và có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa riêng. Nhưng theo Công ước Luật Biển 1982 và tập quán quốc tế, hai quần đảo này chỉ được coi là những cấu trúc địa chất nổi lên trên mặt nước, diện tích nhỏ, không phù hợp cho cuộc sống con người cũng như không có đời sống kinh tế riêng, nên chỉ có quy chế đảo đá. Những đảo đá đó không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng.

Hơn nữa, những nơi đang có tranh chấp về xác lập chủ quyền lãnh thổ như thế thì theo tập quán quốc tế, các bên không thể đơn phương xác định vùng biển có chủ quyền được. Như thế, càng không thể có “vùng chồng lấn”, “vùng tranh chấp” nơi Việt Nam đang tiến hành hoạt động dầu khí.

Ngoại giao thôi chưa đủ

. Theo ông, trong điều kiện, hoàn cảnh, thực lực hiện tại, ta có thể có những giải pháp gì?

+ Công ước Luật Biển 1982 cho phép quốc gia có quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế như quyền thăm dò, khai thác, bảo tồn, quản lý các nguồn tài nguyên; quyền lắp đặt, xây dựng và sử dụng các đảo và công trình nhân tạo, nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ môi trường biển… Quốc gia ven biển có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo việc thực hiện các quyền nói trên, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm việc tôn trọng các luật và quy định mà quốc gia đó đã ban hành theo đúng Công ước.

Trong bối cảnh hiện tại, chúng ta cần kiên trì con đường hòa bình, hành xử phù hợp với quy định của luật quốc tế, không sử dụng vũ lực. Quan điểm trên là đúng đắn nhưng chỉ biện pháp ngoại giao thôi chưa đủ. Chúng ta cần có “hành động” trên thực địa để chứng tỏ thái độ kiên quyết nhưng hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.

Việt Nam cần củng cố và tăng cường hoạt động chấp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Các cơ quan chức năng không chỉ dừng lại ở hành vi xua đuổi các tàu vi phạm mà trong trường hợp cần thiết cần bắt giữ và giải quyết theo quy định của pháp luật. Cấp độ cao hơn, ta có thể đưa những vụ việc nghiêm trọng ra giải quyết tại Tòa Trọng tài Quốc tế. Đây cũng là biện pháp hòa bình, công khai, khách quan, để cộng đồng quốc tế nhận thấy thực tế vụ việc và cách hành xử theo pháp luật của Việt Nam.

. Xin cảm ơn ông.

Nghĩa Nhân

Nguồn: Phapluattp.vn

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn