Việt Nam sản xuất gia công cho Trung Quốc

Lê Phước

clip_image001  

Công nhân làm việc tại dây chuyền lắp ráp xe đạp nhà máy Thống Nhất, Hà Nội. Reuters

 

Mấy tuần qua, báo giới tốn nhiều giấy mực phân tích quan hệ Việt- Trung trên phương diện địa chính trị. Tuần này, tạp chí kinh tế Pháp Challenges nhìn vào quan hệ kinh tế giữa hai nước với bài viết mang dòng tựa khá ấn tượng: “Việt Nam trở thành nước sản xuất gia công cho Trung Quốc”.

Năm rồi, thỏa thuận tự do mậu dịch Trung Quốc-ASEAN bắt đầu có hiệu lực. Hệ quả kéo theo của thỏa thuận này là việc xuất khẩu của Việt Nam cho Trung Quốc tăng đột biến đến 49% một năm. Năm 2010 Việt Nam luôn ở vị trí nhập siêu với mức thâm hụt thương mại với Trung Quốc lên đến 8,7 tỷ euro. Thế mà bổng chốc, “con hổ châu Á” này biến thành “người sản xuất gia công” cho Trung Quốc.

Mỗi ngày, tại vùng biên giới, hàng trăm tàu xe chất đầy hàng made in Vietnam qua lại. Challenges dí dỏm, cảnh tượng tấp nập khiến không ai còn nghĩ đến cảnh cách đây 32 năm, quân đội Trung Quốc cũng bằng con đường biên giới này toan xâm chiếm Việt Nam nhưng thất bại.

Tại thành phố cửa khẩu Đông Hưng của Trung Quốc, có nhiều băng rôn, áp phích cổ vũ cho thương mại song phương, và thông báo hoàn thành công trình xây dựng khu chợ xuyên biên giới lớn nhất của ASEAN, với diện tích 51 hecta và vốn đầu tư đến 200 triệu euro.

Challenges nhận định, chắc chắn rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang chọn Việt Nam làm nơi sản xuất những mặt hàng mà các nhà máy của mình ở Thâm Quyến hay ở nơi khác không muốn sản xuất nữa. Tại sao thế? Một nhà kinh tế Thượng Hải thừa nhận: “Trung Quốc muốn xóa đi hình ảnh sản xuất chạy theo giá thấp của mình”.

Việt Nam sẽ thay thế Trung Quốc gánh lấy hình ảnh này chăng? Theo Challenges, từ lâu, “anh bạn láng giềng nhỏ bé này”, từ mà nhiều người Trung Quốc hay dùng để gọi Việt Nam, nổi tiếng có giá thành sản xuất rất rẻ. Chính vì thế Trung Quốc đã chọn Việt Nam làm nơi sản xuất hàng hóa giá rẻ cho mình.

Hàng loạt xưởng gia công trên đất Việt

Challenges cho biết, cách đây vài năm, Bắc Ninh chỉ là ruộng lúa mênh mông, thế mà giờ đây ở đó mọc lên khối công ty đa quốc gia với các xưởng gia công địa phương của họ. Ở đó, có xưởng của tập đoàn Samsung với 9.600 công nhân, xưởng lớn nhất của hãng này trên thế giới, hãng Canon với 8.500 công nhân, hãng Foxconn với 5.600 lao động. Hãng Foxconn có trụ sở tại Đài Loan cho rằng, lý do họ tìm đến Việt Nam là do tại Trung Quốc, chính phủ đã buộc tăng lương công nhân, và theo lộ trình, tăng 15% một năm cho đến năm 2015. Từ đó, Việt Nam trở thành một lựa chọn hấp dẫn do có giá nhân công rẻ hơn nhiều.

Hơn nữa, Trung Quốc ngày càng điều chỉnh luật lao động theo hướng có lợi cho công nhân của họ. Vì thế, trước mắt, nhiều ngành công nghiệp như lắp ráp mô tô hay ngành điện gia dụng sẽ lũ lượt kéo sang Việt Nam.

Challenges cũng nêu nhiều nguyên nhân khác khiến các nhà đầu tư lìa bỏ Trung Quốc đến Việt Nam, trong đó tờ báo này nhấn mạnh nguyên nhân thuế quan. Một chuyên gia Pháp cho biết, Mỹ đánh thuế đến 37% bu-gi máy nổ của Trung Quốc, nhưng chỉ đánh có 5% đối với bu-gi Việt Nam; 6% đối với đèn tiết kiệm năng lượng LED Trung Quốc, nhưng lại không đánh thuế đối với đèn LED Việt Nam.

Vì thế, các tập đoàn Trung Quốc khuyên khách hàng của mình đến giao dịch với xưởng của họ trên lãnh thổ Việt Nam để được hưởng thuế xuất khẩu thấp hơn, trong khi chất lượng sản phẩm vẫn giống như hàng sản xuất tại chính hãng ở Trung Quốc.

Challenges nhận định, “Nhẹ nhàng nhưng chắc chắn, Trung Quốc chuyển trụ sở đến Việt Nam và củng cố ảnh hưởng kinh tế của mình ở đó”. Cách đây vài tháng, Trung Quốc đã đạt được giấy phép của chính quyền trung ương Việt Nam trong hàng trăm dự án đầu tư nhỏ.

Nhiều công ty địa phương của Việt Nam đã than phiền về việc kinh tế đất nước quá lệ thuộc vào Trung Quốc, như Trung Quốc là nước nhập khẩu chính hàng hóa của Việt Nam, Trung Quốc là nhà cung cấp lớn cho Việt Nam về thiết bị công nghiệp, điện tử, thép và sản phẩm dầu hỏa.

Challenges nhắc lại, hồi đầu năm nay, tờ báo tiếng Anh Vietnam News của Việt Nam đã bày tỏ lo ngại: “Hàng chế biến Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam”. Challenges cũng ghi nhận, Hà Nội đã có phản ứng qua việc cho giảm lượng nhập khẩu hàng ngàn sản phẩm nước ngoài, trong số đó có rượu vang và xa xỉ phẩm, đặc biệt là sản phẩm thông dụng, và rõ ràng là trong loại này hàng Trung Quốc nằm trong tầm ngắm.

L. P.

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn