Quan điểm của Hoa Kỳ về tranh chấp Biển Đông?

Việt Long, RFA

Tình hình Biển Đông tiếp tục sôi động trên trường quốc tế, về phương diện ngoại giao và quốc phòng, từ Trung Quốc, Việt Nam, Đài Loan, Philippines, sang đến Hoa Kỳ.

clip_image001

Nghị sĩ Mỹ Jim Webb trong cuộc hội luận 13 tháng 6/2100 tại Washington. RFA photo

Tại Hoa Kỳ, là nơi mà công luận người Việt trông đợi khá nhiều, hôm thứ ba, nghị sĩ James Webb mở cuộc thuyết trình và họp báo tại Washington để trình bày quan điểm của ông về thái độ của Hoa Kỳ đối với tình hình cuộc tranh chấp đang bùng nổ trở lại tại Biển Đông. Sau đó, hôm nay, Trung Quốc lên tiếng chỉ trích thẳng Hoa Kỳ về việc làm của vị Nghị sĩ Chủ tịch tiểu ban Đông Á Thái Bình Dương sự vụ thuộc Ủy ban ngoại giao Thượng Viện Mỹ.   

Mỹ quá yếu mềm?

Nghị sĩ Jim Webb đã chỉ trích điều mà ông cho là thái độ quá yếu ớt của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh có những hành động khiêu khích và gây hấn ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Ông Jim Webb nói trong cuộc hội luận:

"Tôi nghĩ chính phủ đã có những phản ứng quá yếu ớt trước vấn đề này khi chúng ta nói là chúng ta không đứng về bên nào trong vấn đề chủ quyền. Theo tôi chúng ta nên làm việc trong một diễn đàn đa phương để giải quyết vấn đề”.

Quả thực Washington tỏ ra quá “nhu mì” sau khi xảy ra những diễn biến trên Biển Đông. Trước đó công luận đều nhận định là hành pháp Mỹ muốn ông Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đi một vòng sang châu Á và tham dự diễn đàn đối thoại an ninh tại Shangri-La, vào lúc ông sắp bàn giao chức vụ, là để xác định chính sách liên tục và nhất quán của Mỹ đối với châu Á Thái Bình Dương, trong bối  cảnh Washington cắt giảm ngân sách quốc phòng và tái phối trí lực lượng trên toàn thế giới.

Nhưng tại Shangri-La ông Gates không có một lời nói trực tiếp nào về hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông, trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt điềm nhiên nói đến cái gọi là “sự hợp tác an toàn” ở nơi này, sau khi đã gây hấn với Việt Nam, rồi lại tạo thêm một vụ cắt cáp nữa.

Ông Gates thì chỉ tuyên bố rằng lập trường của Hoa Kỳ vẫn như cũ, là Mỹ có quyền lợi ở nơi này, nơi quyền tự do lưu  thông không thể bị ngăn cản vì công cuộc phát triển kinh tế, thương mại.

Năm ngoái sau khi Trung Quốc gây áp lực với những công ty hợp đồng với Việt Nam để thăm dò dầu khí ở Biển Đông, Bộ trưởng Robert Gates đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ phản đối bất kỳ hành động gây rối nào đối với các công ty Mỹ hay của nước khác hoạt động hợp pháp tại biển Nam Trung Hoa.

Rồi ngoài việc đưa tàu đến tập luyện thường kỳ về cứu hộ trên biển với Việt Nam, Mỹ cũng không có một lời nào với Trung Quốc hay Việt Nam sau những sự kiện nóng bỏng đó.

clip_image002

Hải quân Việt Nam huấn luyện tác xạ đại liên 12 ly 7 trên đảo Phan Vinh, Trường Sa, 13 tháng 6, 2011. AFP photo

Nghị sĩ Webb coi đó là sự yếu ớt của Hoa Kỳ cũng là điều hợp lẽ và chính xác. 

Nghị quyết về Biển Đông 

Nghị sĩ James Webb cũng nói sẽ đưa ra Thượng viện thông qua bản nghị quyết về thái độ của Hoa Kỳ đối với vấn đề Biển Đông.

Nghị quyết sẽ lên án hành động sử dụng sức mạnh của Trung Quốc, đồng thời xác định rằng lực lượng quân sự Hoa Kỳ sẽ cương quyết bảo vệ quyền tự do giao thông tại Biển Đông.

Vị Nghị sĩ Chủ tịch tiểu ban Đông Á và Thái Bình Dương sự vụ của Thượng viện Mỹ không đòi hỏi Mỹ phải có lập trường ủng hộ bên nào trong cuộc tranh chấp về chủ quyền ở nơi này, nhưng nói rằng Hoa Kỳ không những phải gửi ra một tín hiệu rõ ràng, mà còn phải can dự như một lực lượng đối trọng để đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận đa phương.

Ông Webb nói rằng việc Mỹ đứng ra để cho thấy khả năng lãnh đạo của mình và đưa vấn đề ra quốc tế bàn thảo là điều hết sức quan trọng.

Nhưng sau buổi thuyết trình của Nghị sĩ Webb, Trung Quốc lên tiếng ngụ ý chỉ trích quan điểm giải quyết theo đường lối đa phương do Nghị sĩ Webb đưa ra.

Phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng Trung Quốc hy vọng những quốc gia không liên quan đến cuộc tranh cãi về Biển Đông sẽ tôn trọng những nỗ lực của các quốc gia trực tiếp liên quan trong việc giải quyết vấn đề qua đường lối thương lượng trực tiếp.

Mỹ hãy đứng ngoài?  

Lời tuyên bố này có những ngụ ý khá rõ. Trước hết Trung Quốc muốn nói những ai không liên quan đến vấn đề chủ quyền ở Biển Đông, đích danh là Hoa Kỳ, thì hãy đứng ngoài, và Bắc Kinh còn có ý nhấn mạnh chủ trương đàm phán song phương với từng quốc gia có liên quan đến Biển Đông, thay vì thương lượng với toàn thể khối ASEAN hay thương lượng với một nhóm năm nước ASEAN liên quan đến vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.

Trung Quốc tách vấn đề tự do giao thông và khai thác tài nguyên ra khỏi vấn đề chủ quyền, muốn Mỹ không đem hai vấn đề vào làm một, khi Nghị sĩ Webb nói là Mỹ phải can dự, mà theo ông, “không những vì vấn đề chủ quyền mà còn vấn đề giao thương, kinh tế”.

Tuy nhiên ai cũng thấy rằng hai việc có liên quan mật thiết với nhau. Một khi chủ quyền Biển Đông thuộc về Trung Quốc như họ áp đặt Đường Lưỡi Bò, thì còn đâu quyền tự do giao thông và khai thác tài nguyên cho nước khác? Vấn đề này từng gây mâu thuẫn và đụng chạm nhiều lần trên không cũng như trên mặt biển giữa Mỹ với Trung Quốc trong những năm qua.

V. L.

Nguồn: rfa.org

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn