NHÂN NGÀY GIỖ LẦN THỨ BA CỦA CỐ THỦ TƯỚNG VÕ VĂN KIỆT (09/06/2011 – 08/05 Tân Mão)

Nhớ “hào Kiệt của Dân”

Lê Phú Khải

clip_image002

Ông Sáu Dân bên hoa (2007)

Trước mắt tôi lúc đó là những bó cúc vàng “nở” đầy hai bình bông trước bia mộ Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Võ Hiếu Dân, con gái cố Thủ tướng nói: “Từ ngày ba tôi ra đi, cứ vài ngày tôi lên thăm mộ, lại thấy hoa tươi cắm đầy hai bình bông… Hoa nhiều quá, phải mua một cái sọt lớn đặt phía sau lấy chỗ cho bà con cô bác thay hoa mới. Sọt hoa phía sau cũng trở thành một bình bông lớn… Có chú, bác còn đem cả canh chua cá lóc đến cúng ba tôi.”

Hiếu Dân còn kể với tôi: “Khoảng tháng 8, ít tuần sau ngày ba tôi mất, lên thăm mộ, tôi còn thấy một đĩa trám muối cúng ba tôi. Thấy lạ, hỏi ra mới được người coi nghĩa trang hôm đó cho hay, đấy là của hai cha con một người trạc 50 tuổi từ Cao Bằng vô Nam đem đến cúng. Nghe nói, lúc làm việc, có lần ba tôi đã dùng bữa tại một vùng núi Cao Bằng và khen món trám muối này rất ngon!”. Thấy tôi hỏi kỹ, Hiếu Dân hứa, khi nào gặp lại người coi nghĩa trang hôm đó, sẽ hỏi kỹ xem Thủ tướng đã gặp hai cha con người đem những trái trám muối đến cúng trong trường hợp nào, có gì đặc biệt mà tình sâu nghĩa nặng đến thế! Còn người gác nghĩa trang hôm ấy, anh Vũ Ngọc Phượng, thì nói một cách thật “khái quát” kiểu “triết gia”: “Thủ tướng là một người có rất uy tín, chỉ nhìn những bó hoa người dân đem đặt trước mộ ông sẽ nhận ra điều đó.”

Tôi đã đi vòng ra phía sau mộ chí rợp bóng cây xanh. Bên một gốc cây, một chiếc sọt lớn chứa đầy hoa, kê ngay ngắn trên một chân đế bằng sứ màu nâu đỏ. Đó là những bó hoa được thay ra từ hai bình bông phía trước mộ. Tôi thấy đủ các loại: cúc vàng, hoa hồng, hoa huệ trắng, có cả những bông hoa đồng tiền màu tím nhạt… Có tiếng chim hót đâu đó trong những lùm cây quanh tôi. Bầu trời hôm đó dìu dịu nắng, không gian thật yên ả, thanh bình. Một chiếc lá vàng vô tình rụng xuống vai tôi, tự dưng lúc đó tôi hình dung ra cảnh ông Sáu Dân (tên thân mật của Thủ tướng Võ Văn Kiệt) đang đứng ngắm hoa. Số là, có lần anh Trang, người cán bộ gần gữi nhất của ông Sáu gọi điện thoại nói ông Sáu kêu tôi đến gặp. Sau hơn một giờ trò chuyện, mà toàn những chuyện phải suy tư… Lúc đó tôi bất chợt nhìn thấy những chùm phong lan rất đẹp ngoài hàng hiên… Tôi đề nghị ông Sáu thư giãn trong ít phút bên hoa để tôi chụp một tấm hình. Đó là tấm hình bên hoa duy nhất trong hàng trăm tấm hình tôi đã chụp ông lặn lội xông pha trên các sóng nước Cửu Long hay đang phát biểu chỉ đạo hội nghị. Sau lúc tôi bấm máy, ông Sáu Dân còn vui vẻ nói đùa: “Nhà báo nhớ là tôi chỉ ngắm hoa  thôi nhé! Đâu có động vào hoa!”. Những ngày cuối đời, ông thường than: “Chưa bao giờ tôi thấy thiếu thời gian như lúc này!”. Tạo hóa thật công bằng. Con người suốt đời “đi trong dông bão”, trăn trở việc nước, việc dân cho tới phút lâm chung đó, đã được yên nghỉ thư thái bên hoa trong tình thương vô hạn của nhân dân. Có nhà thơ đã đặt tên cho tác phẩm của mình là “Hoa ngày thường chim báo bão”. Bão táp nào rồi cũng qua đi. Hoa ngày thường thì mãi mãi còn với đất nước này, với mùa xuân, với những con người mà nhân dân yêu quý.

Ngày 30 tháng tư năm nay đã lại tới. Đây là 30 tháng 04 thứ ba vắng bóng ông Sáu Dân trên cõi đời này. Sao bỗng dưng tôi thấy buồn se sắt trong lòng. Có lần, nhân đến thăm ông dịp 30-4, ông trầm tư nói, đại ý: 30-4-1975 có một triệu người Việt Nam vui thì cũng có một triệu người Việt Nam buồn! Các nhà báo phải viết thế nào để dần nguôi đi những nỗi buồn và chỉ còn là ngày vui của dân tộc ta… Rồi ông kết luận: “Nên gọi ngày 30 tháng 04 là ngày thống nhất đất nước.”

Bữa đó tôi đã lặng đi khi nghe những lời nói sâu sắc, có tầm vóc vượt cả thời gian, không gian của Võ Văn Kiệt. Tôi đã nghĩ  ra cái ý, kêu ông bằng cái tên “ hào Kiệt của Dân” từ đó!

TP. HCM, 30.4.2011

L. P. K.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn