Cục Hàng không và tư duy “gà què …”!

TS Trần Đình Bá

Giữa lúc người nông dân biết dồn điền đổi thửa mở rộng mảnh ruộng vốn manh mún của mình để làm ăn lớn, trở thành nước xuất khẩu lúa gạo đứng thứ nhì thế giới, thì tư duy Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) vẫn là trói chặt bầu trời, cấm vận hãng hàng không bay trong “vườn nhà”, đưa hàng không nước ta tụt hậu xếp gần cuối bảng trong khu vực ASEAN.

Làm sao cải thiện được vị thế cho hàng không để góp phần giảm thiểu quá tải và tai nạn giao thông trên đường bộ hiện nay? TS Trần Đình Bá – Hội Kinh tế & Vận tải ĐSVN - Hội Khoa học & Kinh tế VN, người đã từng thách đấu 5 triệu USD với HKVN về “hiệu quả kinh tế đường bay thẳng HN- TP HCM” đã có bài phân tích nguyên nhân thua lỗ này.

Do hoạt động trên cao không bị chia cắt về sông núi biển cả nên quy luật kinh tế đặc thù tối ưu của hàng không là đường thẳng nối hai điểm vận tải. Vậy mà hàng chục năm nay, Cục HKVN đã làm trái quy luật đó, buộc các hãng hàng không hoạt động ở Việt Nam bay lòng vòng trong “vườn nhà” để lại sự thua lỗ và tụt hậu nặng nề, đẩy sự nghiệp hàng không nước nhà đến tình trạng bị bần cùng hóa, làm cho nhiều hãng hàng không phá sản hay đứng trước nguy cơ phá sản.

Khi một sáng kiến yêu nước lại bị Cục HKVN tẩy chay!

Năm 2009, sáng kiến “đường bay thẳng HN – TP HCM” do cựu phi công Mai Trọng Tuấn đề xuất đã được đông đảo mọi người tôn vinh là “đường bay vàng”, và đã được Thủ tướng quan tâm chỉ đạo thực hiện. Vậy mà lãnh đạo Cục HKVN tính bài toán hiệu quả kinh tế đường bay rồi kết luận: “đường bay thẳng Hà Nội – TP HCM chỉ tiết kiệm được 42 km và 2 phút rưỡi bay nên không kinh tế”, và thẳng thừng từ chối sáng kiến này.

Thật đáng hổ thẹn khi Việt Nam có gần một trăm giáo sư tiến sỹ ở Học Viện Hàng không VN, Cục Hàng không, Viện Quy hoạch Bộ GTVT lại không tính nổi bài toán hiệu quả kinh tế đường bay mà phải đi mua phần mềm tính toán của nước ngoài và tính sai hiệu quả kinh tế để đưa ra những chính sách sai lầm, bức tử các hãng hàng không, gây thiệt hại cho Nhà nước cũng như hành khách.

Khi so sánh hiệu quả kinh tế trên một đường đi vòng với một đường đi thẳng chúng ta sẽ phải đưa về một hệ quy chiếu để so sánh và tìm được giá trị thực của nó bằng một bài toán cao cấp mà không thể là một bài toán số học.

Khi tất cả các đường bay vòng đều “lỗ ròng”!

So sánh hiệu quả kinh tế phải tính bằng tỷ lệ % giữa công có ích so với công toàn phần. Công trên đường bay chuyển hướng nhiều lần phải được tính bằng tích phân đường theo cơ học cổ điển của Newton.

clip_image001

“Hệ quả từ tích vô hướng” là một phương pháp để đưa các đoạn thẳng có phương, có hướng khác nhau quy đổi về một hệ quy chiếu để so sánh. Đường bay Hà Nội – TP HCM theo đường thẳng chỉ là 1140 km, thế nhưng khi phải đi qua Đà Nẵng theo phương vuông góc là 416 km. Quãng đường 416 km này tiêu tốn công vô ích, làm mất đi 26,2% chi phí sản xuất, như vậy mỗi chuyến bay lãng phí bình quân trên 4000 USD. Đường bay thẳng Huế - TP HCM chỉ 630 km, lãng phí theo phương vuông góc 242 km, mất 27,8%; đường bay thẳng Đà Nẵng - TP HCM chỉ 602 km, lãng phí 180 km, mất 23,1%; đường bay thẳng Hà Nội – Cần Thơ chỉ 1217 km, lãng phí 474 km, mất 28,1%… Đó lại là những đường bay có tần suất cao nhất nên gây lãng phí lớn nhất về chi phí sản xuất, bao gồm xăng dầu, thời gian thuê máy bay, thuê phi công.

Bảng hiệu quả kinh tế đường bay nội địa tại Việt Nam theo “Phương pháp TĐB” cho thấy sự lãng phí rất lớn do cơ chế “trói” hiện nay:

Tuyến bay

Chiều dài đường bay thẳng qua 2 điểm (km)

Quãng đường lãng phí (km)

Hiệu quả kinh tế (tỷ lệ % so với chi phí sản xuất)

Lãng phí kinh tế (tỷ lệ % so với chi phí sản xuất)

Hà Nội - TP Hồ Chí Minh

1140

416

73,2%

26,8%

Hà Nội - Pleiku

812

52

93,9%

16,1%

Hà Nội - Đà Lạt

1031

174

85,5%

14,5%

Hà Nội - Buôn Ma Thuột

948

94

90,9%

9,1%

Hà Nội – Cần Thơ

1217

474

71,9%

28,1%

Hà Nội – Phú Quốc

1215

766

61,3%

38,7%

TP Hồ Chí Minh - Vinh

873

390

69,1%

30,9%

TP Hồ Chí Minh - Hải Phòng

1099

312

77,8%

22,2%

TP Hồ Chí Minh - Đồng Hới

733

316

69,8%

30,2%

TP Hồ Chí Minh - Huế

630

242

72,2%

27,8%

TP Hồ Chí Minh - Đà Nẵng

602

180

76,9%

23,1%

TP Hồ Chí Minh - Nha Trang

309

52

85,5%

14,5%

TP Hồ Chí Minh - Cam Ranh

298

42

89,6%

10,4%

TP HCM - Buôn Ma Thuột

255

82

75,6%

24,4%

TP Hồ Chí Minh - Pleiku

379

96

79,7%

20,3%

TP Hồ Chí Minh - Chu Lai

547

98

84,8%

15,2%

TP Hồ Chí Minh - Đà Lạt

227

54

80,0%

20,0%

TP Hồ Chí Minh - Phú Yên

374

66

85,0%

15,0%

Cộng

13913

4488

75,6%

24,4%

Hiệu quả bình quân trên tất cả các đường bay ở VN chỉ đạt 75,6%, thiệt hại kinh tế 24,4 % (tỷ lệ lãng phí gần 1 phần tư).

Toàn bộ 23 tuyến đường bay nội địa tại VN thì đã có 19 đường bay vòng lãng phí bình quân trên 25% chi phí sản xuất.

Trong khi các ngành kinh tế kinh doanh hay sản xuất thường lãi ròng chỉ đạt khoảng 8-10% chi phí sản xuất, thì sự lãng phí trên 25% chi phí sản xuất đã chuyển đáp số bài toán kinh doanh vận tải hàng không từ “lãi ròng” sang “lỗ ròng” bình quân 25% -10% = 15%.

Nhiều chuyên gia hàng không kỳ cựu đã phải chua chát tuyên bố “Hàng không nội địa tại Việt Nam chưa bao giờ có lãi!”, nhưng lại không đi tìm nguyên nhân. Trong 5 hãng hàng không hoạt động tại VN thì Indo China Alines (ICA) chỉ mới hoạt động 1 năm đã lỗ tới 50 tỷ đồng, đành phải ngừng bay; hãng Jetstar Pacific Airlines (JPA) càng bay nhiều càng lỗ, bình quân mỗi tháng lỗ 2 triệu USD là phù hợp tuyến tính so với tỷ lệ “lỗ ròng” 15% đó và đang đối mặt với nguy cơ phá sản. Hãng hàng không Vietjet (VJA) được cấp phép từ nhiều năm nhưng không dám bay vì sợ thua lỗ như ICA và JPA. Hàng không quốc gia VNA được cho là “có lãi” do lấy được đường bay quốc tế đường dài có hiệu quả cao hơn để bù lại cho các đường bay nội địa. Với đường bay nội địa, để không bị lỗ, “ông lớn” VNA đã móc từ túi tiền của hành khách với giá vé lúc nào cũng cao ngất, cao hơn nhiều so với giá vé các hãng ICA, JPA… Tất nhiên thiệt hại nặng nề đó thuộc về các công chức và các doanh nghiệp Nhà nước thường xuyên sử dụng dịch vụ VNA và “trăm dâu đổ đầu tằm” ngân sách Nhà nước phải gánh.

Bay vòng và tư duy “gà què …” ngay trong lãnh đạo Cục HKVN!

Tại cuộc họp “Đường bay vàng” ngày 9/7/2009, Cục phó Lại Xuân Thanh đã tuyên bố xanh rờn: “Bay qua bầu trời Lào và Cămpuchia sẽ không đảm bảo an ninh… Các đường bay nội địa ở VN phải được duy trì trong lãnh thổ để thực hiện quyền kiểm soát điều hành"… Tuyên ngôn phi khoa học, phi chính trị này vừa có nguy cơ làm làm tổn thương đến quan hệ quốc tế, đi ngược lại xu thế hội nhập phát triển, làm trái “Hiệp định bầu trời mở rộng” trong 10 nước ASEAN và 4 nước trong tiểu vùng CLMV.

Tư duy “bay trong vườn nhà” đang thực sự trở thành vòng kim cô trói chặt các hãng hàng không nước ta trong vòng luẩn quẩn, gây lãng phí và thua lỗ nặng nề. Sự thật là đường bay thẳng xuyên qua 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia từ Đà Nẵng đến Stungcheng (CPC) đã thực hiện từ những thập kỷ 80 của thế kỷ trước đều an toàn tuyệt đối, nay lại có thêm đường bay Hà Nội – Pakse (Lào) thường xuyên hoạt động thì sao lại cho rằng “không đảm bảo an ninh”!?

“Bay chùa” lòng vòng trong lãnh thổ, Nhà nước hoàn toàn thất thu thuế tài nguyên, còn các hãng hàng không đã phải chịu thua lỗ do lãng phí tới 25% chi phí sản xuất, đó là một nghịch lý cay đắng!

Không còn nghi ngờ gì nữa, với cơ chế “trói”, Cục HKVN đang gây thất thoát mỗi năm trên 30 triệu USD tiền thuế tài nguyên không gian, kèm theo đó là gây lãng phí trên 70 triệu USD về nhiên liệu, tiền thuê máy bay và phi công, đẩy các hãng hàng không như Indo China Alines (ICA) đi đến thua lỗ và phá sản, Jetstar Pacific Airlines (JPA) liên tục thua lỗ và nợ tới gần 200 triệu USD, không còn tiền để mua nhiên liệu, nguy cơ phải ngừng bay. Còn 12 triệu “thượng đế”/năm, mỗi chuyến bay bình quân mất thêm ¼ thời gian và mất thêm ¼ giá trị tấm vé do bay lòng vòng. Các hãng hàng không bị “bần cùng hóa” phải “giật gấu vá vai” vì làm ăn không có tích lũy, tất cả đều phải thuê, từ “thuê khô đến thuê ướt”, thuê từ phương tiện đến con người. Thật nực cười khi hãng hàng không JPA có 70% vốn điều lệ Nhà nước mà chỉ có duy nhất có 1 phi công VN nhưng lại là lái phụ. Hãng hàng không quốc gia VNA muốn sắm thêm máy bay cũng phải đi vay nợ nước ngoài nhờ Chính phủ bảo lãnh, trong khi tính ra từ thời kỳ đổi mới 1986 đến nay hàng không VN đã lãng phí khoảng 1,8 tỷ USD do bay vòng.

Việt Nam đã có Luật Hàng không VN, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… Chính phủ VN đã ký hiệp định tham gia “Bầu trời mở rộng” để tiết kiệm nhiên liệu, thời gian và khai thác tài nguyên không gian hợp lý làm giàu cho mỗi nước. Vậy mà, Cục HKVN hiện vẫn đang trói chặt các doanh nghiệp là các hãng hàng không trong cảnh “gà què ăn quẩn cối xay”. Bởi thế nên một nước gần 90 triệu dân, có cơ sở hạ tầng tốt nhất ASEAN với 50 sân bay, trong đó có 9 sân bay quốc tế hiện đại mà hiện chỉ đạt khoảng 12 triệu hành khách/năm, thua xa Singapore là nước chỉ có dân số chỉ 3 triệu dân với duy nhất 1 sân bay, chất lượng phục vụ thì thua xa cả Hàng không Lào, đó là một điều đáng hổ thẹn.

Sự thua lỗ và tụt hậu thê thảm này có phần trách nhiệm từ cơ quan quản lý nhà nước, không ai khác là Cục HKVN.

Nhớ lại đêm trước của thời kỳ Đổi mới (1986), nhân vật chính trong vở kịch nổi tiếng “Tôi và chúng ta” – Giám đốc Hoàng Việt – đã thét lên: “Cứ trói chúng tôi lại rồi ném xuống sông thì làm sao bơi được…”, đã phản ảnh đúng việc làm cửa quyền, quan liêu, bao cấp theo cơ chế “xin – cho” đang tồn tại thịnh hành ngay trong Cục HKVN hiện nay.

Giữa lúc Việt Nam tích cực đổi mới để hội nhập ASEAN và WTO thì tư duy bay trong vùng lãnh thổ thực là phản chính sách, đi ngược xu thế đổi mới hội nhập, thực sự là tư duy “gà què…” đang xâm hại lợi ích quốc gia cùng lợi ích các nước Hiệp hội hàng không ASEAN, lợi ích các nước trong tiểu vùng CLMV, xâm hại lợi ích các doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp, cản trở việc mời gọi đầu tư từ nước ngoài theo luật Đầu tư… và đau đớn hơn là đẩy sự nghiệp hàng không nước nhà vào ngỏ cụt.

Hoạt động Hàng không là cực kỳ quan trọng, phản ảnh vị thế về chính trị, tiềm năng kinh tế, sức mạnh quốc phòng – an ninh, phản ảnh trình độ văn minh của một quốc gia văn hiến. Đã đến lúc cần phải có một sự đổi mới đột phá ngay trong Cục HKVN, đoạn tuyệt với cơ chế cửa quyền, quan liêu bao cấp để thực sự đổi mới và hội nhập!

Ca dao VN có lời khuyên: “Gà què ăn quẩn cối xay – ở nhà quanh mẹ biết ngày nào khôn! Hy vọng “lời nguyền” của cha ông chúng ta sẽ lay gọi thức tỉnh tư duy lãnh đạo Cục HKVN!

T. Đ. B.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

clip_image003

Ảnh: Cục phó HKVN Lại Xuân Thanh bên cạnh Cựu phi công Mai Trọng Tuấn tại cuộc họp Đường bay thẳng HN –TP HCM ngày 9/7/2009

clip_image005

Toàn cảnh cuộc họp ngày 9/7/2009

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn