Báo chí nước ngoài nói về cuộc diễn tập bắn đạn thật của Việt Nam

Thông điệp từ tập trận đạn thật

Quỳnh Chi, Phóng viên RFA

Việt Nam cho tập trận bắn đạn thật. Nhiều người cho rằng hành động này sẽ tạo nên căng thẳng trên Biển Đông.

clip_image002

Phóng viên Quỳnh Chi và ông Greg Autry tại RFA hôm 13/6/2011. RFA photo

Hôm thứ Hai, ông Greg Autry đến thăm ban Việt ngữ đài RFA và đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện ngắn về vấn đề này. Mời quý thính giả nghe một số nội dung cuộc trò chuyện giữa Quỳnh Chi và ông Greg Autry, đồng tác giả quyển sách mới xuất bản “Death by China” (tạm dịch Thần chết Trung Quốc).

Căng thẳng trên Biển Đông

Quỳnh Chi: Thưa ông, Việt Nam vừa cho binh lính tập trận bắn đạn thật ở nơi cách Hoàng Sa chỉ khoảng 250 km. Mặc dù giới chức Việt Nam tuyên bố rằng đây chỉ là hành động diễn tập bình thường nhưng giới quan sát lại cho rẳng hành động này đang làm căng thẳng thêm tình hình Biển Đông. Ông nghĩ là việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với tình hình hiện tại?

Greg Autry: Tôi nghĩ là dĩ nhiên hành động này sẽ làm căng thẳng Biển Đông gia tăng. Tuy nhiên chúng ta phải nhận thấy rằng đối với vấn đề Biển Đông thì Bắc Kinh không làm gì cả ngoài việc vươn oai thể hiện sức mạnh của mình. Tôi nghĩ là hành động này của Việt Nam là hoàn toàn hợp lý để nhắc nhở Trung Quốc rằng họ phải quan tâm đến phản ứng của các nước khác.

Quỳnh Chi: Vậy đây có phải là phản ứng của Việt Nam về việc có dư luận cho rằng Trung Quốc đang muốn thử phản ứng các nước về đường lưỡi bò 9 đoạn?

Greg Autry: Tôi nghĩ đây là cơ hội để Việt Nam gởi thông điệp trực tiếp đến Trung Quốc khi mà nước có tư tưởng rằng họ có thể làm bất cứ điều gì mà không cần biết cộng đồng quốc tế sẽ phản ứng như thế nào.

Quỳnh Chi: Vì sao gần đây Trung Quốc lại có hành động mạnh bạo trên Biển Đông như vậy?

Greg Autry: Có nhiều lý do làm Trung Quốc gây căng thẳng trên Biển Đông. Có sự gia tăng nhu cầu năng lượng trong  những năm gần đây đặc biệt là thời gian gần đây bên trong Trung Quốc, trong khu vực và cả trên thế giới. Trung Quốc ngày càng cần nhiều nguồn năng lượng dầu khí để xây dựng và phát triển các khu công nghiệp hay các thành phố lớn. Một lý do nữa là có thể bây giờ Trung Quốc cảm thấy rằng họ có đủ sức mạnh về quân sự và kinh tế để khẳng định yêu cầu của họ đối với các nước láng giềng nên họ gây ra những việc như vừa rồi.

VN có thể lật ngược thế cờ?

Quỳnh Chi: Ông nghĩ Việt Nam có thể trông chờ gì nơi Hoa Kỳ để giải quyết mâu thuẫn Biển Đông không?

clip_image004

Ông Greg Autry đến thăm ban Việt ngữ RFA hôm 13/6/2011. RFA photo

Greg Autry: Dĩ nhiên là Hoa Kỳ luôn ủng hộ tự do đi lại trên Biển Đông và các vùng biển khác. Vì thế Việt Nam nên đứng về phía Hoa Kỳ trong vấn đề này. Hoa Kỳ sẽ luôn khuyến khích các nước trong khu vực tìm một giải pháp hòa bình để giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh hải, lãnh thổ. Đồng thời khuyến khích khai thác tài nguyên như thế nào mà tất cả các nước đều có lợi. Hoa Kỳ có thể trở thành một nhân tố quan trọng trong việc này và một mối quan hệ tốt giữa Hoa Kỳ và Việt Nam rất quan trọng đối với thành công của Việt Nam.

Quỳnh Chi: Việt Nam và các nước trong khu vực có thể làm gì để không những làm giảm căng thẳng đang diễn ra đồng thời có thể giải quyết được vấn đề Biển Đông?

Greg Autry: Sẽ rất khó để mà vừa giảm căng thẳng vừa giải quyết vấn đề Biển Đông bởi vì dường như Trung Quốc không hiểu phản ứng của dư luận và chỉ muốn vươn oai mà thôi. Cho nên việc Việt Nam thể hiện uy lực của mình thì cũng chẳng có gì đáng trách. Thực chất đây là việc Việt Nam cần làm. Thêm vào đó, nếu Việt Nam có thể thay đổi chế độ chính trị một cách đáng tin cậy thì có thể làm Việt Nam gần hơn với Hoa Kỳ và Châu Âu, và có thể lúc đó Hà Nội lại đi trước Bắc Kinh trong việc trở thành một nhân tố quan trọng trên thế giới.

Quỳnh Chi: Trong cuốn sách “Death by China” mà ông là đồng tác giả cũng đưa ra những mối nguy mà Trung Quốc có thể gây ra đối với các nước láng giềng. Những mối nguy đó là gì thưa ông?

Nếu VN có thể thay đổi chế độ chính trị một cách đáng tin cậy thì VN gần hơn với Hoa Kỳ và Châu Âu, và có thể lúc đó Hà Nội lại đi trước Bắc Kinh trong việc trở thành một nhân tố quan trọng trên thế giới.

Ông Greg Autry

Greg Autry: Hy vọng là mọi người có thể tìm đọc quyển sách này và biết nhiều chi tiết hơn. Trung Quốc tăng cường hiện đại hóa quân đội cũng như vũ khí để thể hiện quyền lực của mình trong khu vực. Trung Quốc cũng có vấn đề tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với rất nhiều nước. Rất quan trọng để mọi người nhận ra rằng Trung Quốc sẽ mở rộng xâm lăng nếu như không ai phản đối.

Quỳnh Chi: Dạ vâng, xin cám ơn ông và xin được chúc mừng ông về quyển sách mới xuất bản.

Q. C.

Nguồn: rfa.org

----------------------

Căng thẳng sau cuộc diễn tập?

BBC

clip_image006

Nước nào cũng muốn tranh tài nguyên trong khu vực

Việc Hải quân Việt Nam diễn tập đạn thật ngoài khơi Quảng Nam không tránh khỏi có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng với nước láng giềng Trung Quốc.

Việt Nam nói sẽ cương quyết bảo vệ chủ quyền và các khu vực hải thương quanh Trường Sa.

Trung Quốc tố cáo Việt Nam thăm dò trái phép dầu khí tại những khu vực mà họ gọi là đặc quyền kinh tế. Trong những tuần qua đã xảy ra những sự cố liên quan đến tàu bè của hai nước.

Biển Đông là nơi lâu nay xảy ra tranh chấp tài nguyên thiên nhiên giữa Trung Quốc với nhiều nước trong khu vực, và cũng đang có nguy cơ làm cho quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington lại căng thẳng.

Tranh giành các đặc khu kinh tế trên vùng biển này đã kéo dài từ lâu và thỉnh thoảng lại xảy ra những vụ va chạm giữa tàu bè của các nước.

Nhưng căng thẳng mới đây giữa Hà Nội và Bắc Kinh, giữa Bắc Kinh và Manila, cho thấy sự cấp bách của nhu cầu phân định lãnh hải thế nào để các bên đều có thể chấp nhận.

Tại thời điểm này phóng viên quốc phòng của BBC Jonathan Marcus nói không loại trừ khả năng xảy ra xung đột quân sự.

Cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều bị đưa vào thế nan giải khi quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng giữa lúc tinh thần dân tộc nổi lên trong nước đòi hỏi hai chính phủ phải có hành động mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi.

clip_image008

Các cuộc biểu tình như đổ thêm dầu vào lửa

Tinh thần dân tộc này tự phát đến đâu vẫn là dấu hỏi nhưng sự bùng lên tái diễn chỉ như đổ dầu thêm vào lửa.

Nhiều quan sát viên cho rằng trong 18 tháng qua Trung Quốc có vẻ mạnh bạo hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của họ trong khu vực.

Sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tại diễn đàn an ninh khu vực - Đối thoại Shangri-La - được cho là một nỗ lực nhằm trấn an những lo sợ cho một Trung Quốc hung hăng. Nhưng không vì thế mà căng thẳng trên biển giảm đi tí nào.

Dấu hiệu từ Washington cho thấy người Mỹ quay lại với khu vực này có thể đã làm cho Hà Nội an tâm hơn. Nhưng Bắc Kinh quả quyết tranh chấp song phương phải được giải quyết không có sự can thiệp của bên ngoài.

Việt Nam, một nước nhỏ hơn, lại muốn thấy có sự tham gia đa phương để tiếng nói của họ không bị lấn lướt.

Nguồn: bbc.co.uk

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn