Việc gán cho rùa Hồ Gươm tính cách “linh thiêng” cản trở việc làm sạch hồ và chữa bệnh cho rùa

Trọng Thành

Anh Dương Trung Quốc là chỗ bạn bè với chúng tôi, là một trong những Nghị sĩ “dám nói” giữa một Quốc hội mà nếu không bảo là “gật” – chẳng ai dám mạo phạm gọi xách mé như thế cả – thì xét cho cùng, sự thẳng thắn đóng góp những điều hữu ích tính đến nay quả cũng chưa được bao lăm người. Tuy nhiên, có lẽ cũng vì ở tư cách một Nghị sĩ Nhà nước nên trong vấn đề này, anh chưa dám nói hết mọi điều cần nói. Bổ sung vào ý kiến của anh một đôi điều tưởng cũng là cần thiết.

Chúng tôi nghĩ, đời sống tâm linh gắn với một cộng đồng người nhất là cộng đồng người châu Á như Việt Nam, vốn có gốc rễ lâu đời của nó. Truyền thuyết rùa thần ở Hồ Gươm phải nói đã có từ lâu, từ thời Lê Lợi kia, hoặc muộn hơn chút ít, và mấy trăm năm qua vẫn sống trong lòng dân tộc như một phản ánh sâu thẳm của tâm thức yêu nước, yêu cuộc sống thái hòa, không thích gây sự, của dân tộc chúng ta. Nhưng từ khi những người làm cách mạng theo đường lối mác-xít lên nắm quyền thì cái gọi là “tín ngưỡng dị đoan” bị dẹp bỏ, trong đó có cả những truyền thuyết linh thiêng như truyền thuyết rùa thần (dẹp bỏ ở đây là dẹp bỏ niềm tin hiện hữu về nó chứ không phải dẹp bỏ ở trong sách vở). Nhưng sự dẹp bỏ chỉ có giá trị nhất thời, khi người ta đang ít nhiều xây dựng được một lòng tin khác, về một thể chế mới sẽ dẫn con người Việt Nam đến một thế giới tươi đẹp, không còn người bóc lột người, và thể chế ấy là do toàn dân vùng lên chống ách đô hộ của ngoại bang giành lại độc lập toàn vẹn thiết lập ra nó.

Nhưng sau sáu mươi năm trải nghiệm, rõ ràng lòng tin nhất thời ấy đã bị sụp đổ. Một xã hội công bằng, dân chủ, tự do, hạnh phúc không những không hề có mà một đất nước hoàn toàn độc lập không phải luồn cúi nước ngoài hóa ra cũng không. Mà khi lòng tin từng được hồ hởi truyền bá bởi những vị khai quốc công thần khai sáng ra thời đại mới bị thực tế làm cho tắt ngấm cùng với lớp người khai quốc ấy – một “thế hệ vàng” như anh Dương Trung Quốc nói – thì cái cũ đương nhiên lại sống dậy. Người ta lại phải trở lại gửi gắm ước vọng vào một thế giới huyền bí, xem đó là sự cứu rỗi cho mọi nỗi đau hữu hình và vô hình đang diễn ra chồng chất trên cõi đời này.

Về phương diện cá nhân, dân chúng không còn chỗ nào bấu víu hơn là đi tìm các đình chùa được tiếng “thiêng” xưa nay để lễ bái, cầu cúng, mong cho vợ chồng con cái có chút tài lộc và giữ được sức khỏe cũng như sự yên ấm gia đình, trong thời buổi khắc nghiệt của kinh tế thị trường định hướng XHCN mà trong đó chỉ có một phần may còn chín phần là rủi (do chỗ nền kinh tế này thực chất dựa trên “quy hoạch” đất đai của dân và buôn bán đầu cơ bất động sản cũng như vay tiền nước ngoài để lập ra các dự án... không có lãi, nên đại bộ phận nhân dân đều ở vào tình cảnh bất hạnh), giáo dục và an sinh xã hội thì xuống gần đến đáy. Nhưng có một đám giàu nổi mới phất lên nhờ vào vô khối hành vi chạy chọt chức quyền, xí phần quy hoạch, dự án này nọ..., chủ yếu là quan chức và các doanh nhân thì trong tâm lý lại thường lo sợ theo một hướng khác: họ lúc nào cũng ngơm ngớp lo bị mất chức, mất hết tiền tài, nên cứ thảng thốt không yên, như ngồi trên đống lửa. Về mặt tư tưởng, họ lại cũng chính là đám người sớm hơn ai hết từ bỏ cái chủ nghĩa duy vật biện chứng mà thế hệ cha chú từng truyền dạy, mặc dù ngoài miệng họ vẫn luôn luôn tuyên truyền học tập chủ nghĩa Mác, học tập tấm gương đạo đức của cụ Hồ. Cứ xem những việc như phá gần hết di tích Điện Biên Phủ để xây phố xá, khách sạn, phá di tích Hội trường Ba Đình và rất nhiều di tích khác chứng tỏ họ đã đi đến chỗ “hoàn toàn thất học” (sự suy xét lý tính trong họ nhường chỗ cho những tín điều, tín niệm hết sức thực dụng). Vì thế, không phải họ theo đuôi nhân dân đi lễ bái cho an dân đâu. Phải nói chính họ đã đầu têu ra những chuyện xây chùa chiền đồ sộ cực kỳ tốn tiền (kéo theo hàng đám “sư sãi chức sắc” cũng lập hết dự án này dự án kia, ngồi ô tô, che lọng vàng, tiền của không để đâu cho hết), những chuyện lễ bái cầu cúng, cầu an, mừng sinh nhật... tốn kém không thể nào kể xiết (mà đi đến đâu ta đều nghe dân gian đàm tiếu), cốt cầu thần thánh “ban” cho mình được leo lên những “cái ghế” cao hơn, vững chãi hơn cái ghế mình đang ngự trị, và làm sao cho núi tiền của mình ngày một đầy hơn hoặc đã đầy rồi thì không suy suyển đi. Vậy thì, từ cái cực duy vật máy móc đến chùa chiền nào cũng đập, bia đá nào cũng ghè, sách Nho nào cũng đốt... chuyển sang một cực trái ngược hẳn như hôm nay trong xã hội chúng ta, phải đâu là do chính quyền nể nang dân chúng mà sinh ra thói tệ ây. Nói thế e có phần oan uổng cho người dân đấy, thưa anh Quốc.

Còn về một phương diện khác, phương diện xã tắc – tức niềm tin vào vận mệnh dài lâu của đất nước – trước đây, với hai cuộc kháng chiến đánh Pháp và đánh Mỹ, trong nhân dân ai cũng nghĩ rằng dân tộc này quả thật đã làm nên lịch sử, tự mình giành lại được nền độc lập tự chủ của mình. Nhưng mỗi ngày, lịch sử lại lộ ra một phần sự thật bị giấu giếm, những sự thật ghê gớm không ai ngờ được –rằng vào năm 1974 chúng ta đã mất Hoàng Sa về tay Trung Quốc; rằng vào năm 1988 chúng ta lại mất thêm một phần Trường Sa; rằng từ sau 1979, sau chiến thắng oanh liệt đánh đuổi đội quân xâm lược hung ác của Đặng Tiểu Bình tiến sang triệt phá nhiều tỉnh biên giới, những tưởng chúng ta đã có thể ngẩng cao đầu, thì có ngờ đâu lại phải ngậm cay nuốt đắng chấp nhận một đường biên giới thua thiệt, có nhiều phần bị bọn đại Hán ngoạm sâu vào lãnh thổ mà không dám lên tiếng tranh cãi (đặc biệt là các cuộc giao tranh đẫm máu vào năm 1984, chúng ta mất thêm cao điểm quan trọng 1509 vùng núi Đất, bây giờ kẻ ăn cướp gọi đó là Lão Sơn). Không những thế, khi một thế hệ thanh niên Việt Nam cảm thấy bất bình, đứng lên biểu tình chống Trung Quốc, đòi công khai việc giành lại quyền tự chủ trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, thì bất nhẫn thay, họ lại bị chính quyền đương nhiệm giải tán, thậm chí bắt bớ, đưa vào tù. Thế là niềm tin vào chính sức mạnh của dân tộc cũng lung lay – do một bọn đớn hèn cứ dùng dùi cui và roi điện để bịt miệng dân chúng.

Còn chỗ nào để “phát tiết” tinh hoa của dân tộc nữa đây nếu không là những huyền thoại như huyền thoại rùa thần Hồ Gươm vốn nổi tiếng linh ứng từ hàng mấy trăm năm? Truyền thuyết Cụ Rùa dẫu có âm thầm “ngủ kín” trong tâm khảm người dân một thời gian nào đấy, do chiến tranh hay vì lẽ gì đi nữa, thì đâu phải đã là chết hẳn. Bỗng chốc nó lại sống dậy, nổi bật lên trong vòng mấy thập kỷ qua, cũng chính vì sự hẫng hụt nói trên. Anh Dương Trung Quốc hãy nhớ lại xem, tiêu bản “Cụ Rùa” hiện còn ở đền Ngọc Sơn chẳng gắn với lời đồn về việc cụ Hồ tạ thế năm 1969 là gì. Nếu cần hiểu thêm về sức sống của truyền thuyết rùa thần ở cái hồ trung tâm thủ đô này anh nên tìm tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Dậu – một người đã từng nương náu tại Hồ Gươm trong nhiều năm – mà đọc, sẽ còn biết thêm vô khối huyền thoại khác nhau về nó. Ở đây chỉ xin nêu một câu hỏi: Chẳng lẽ cái nơi ẩn náu cuối cùng sức mạnh tinh thần của người Việt là Cụ Rùa cũng bị Nhà nước “quét sạch” đi nốt? Mà “quét sạch” đi thì chính ông cầm quyền phải sợ trước chứ đừng nói ai! Chính đó, theo tôi, đó mới là cái lý do sâu xa để chính quyền Hà Nội phải long trọng hóa một việc như việc cứu “Cụ Rùa” Hồ Gươm.

Nói về việc bảo vệ môi trường, phải nhìn thẳng vào sự thật, Hà Nội là thành phố yếu kém nhất trong mọi thành phố ở Việt Nam. Có một hồ nước nào ở Hà Nội đạt tiêu chuẩn giữ gìn nước sạch và môi trường không bị lấn chiếm hay không? Tuyệt đối không. Ngay Hồ Tây to lớn và đáng giữ gìn biết bao nhiêu, vậy mà cứ lên Hồ Tây mà xem, Hồ Tây và hồ Trúc Bạch nay còn lại được mấy phần so với trước đây hơn nửa thế kỷ? Số liệu quá khứ chắc còn nguyên vẹn để ta so sánh. Có những khách sạn nay đã đóng cọc ra ngoài Hồ Tấy đến gần 1/2 km, thử hỏi ai được hưởng những món “lại quả” kếch xù vào đấy? Lại còn hồ Thủ Lệ nữa, ngày xưa hồ này dài rộng đến thế nào, ai mà chẳng nhớ, thế mà sau một nhiệm kỳ của ông Hoàng Văn Nghiên lên làm Chủ tịch thành phố, cho Hàn Quốc lấp Hồ để xây khách sạn Daewoo (mà nghe nói hình như một vài quan chức vào cỡ ông có cổ phần đáng kể ở trong đó?), nay hồ Thủ Lệ chỉ còn là một lạch nước nông choèn, không đủ chỗ cho trẻ em chơi vui trong ngày Chủ nhật. Giá thử không lo cứu “Cụ Rùa” và làm sạch nước Hồ Gươm, hẳn giải đất hình chữ S này sẽ không còn cái gì để mà nhắc nhở, và chính quyền này sẽ không còn cái gì để “nói” với dân. Ấy, vấn đề gọi bằng tâm lý xã hội nó là sâu xa như vậy chứ không phải giản đơn. Phải chi nếu không có truyền thuyết “Cụ Rùa” thì chắc việc làm sạch Hồ Gươm cũng sẽ còn lâu lắm đấy. Các vị ngồi trên biết rằng chẳng ăn cái giải gì khi làm cho một thủ đô thật sự xanh, sạch, đẹp. Vài nhát sơn để bôi phết lại các tường nhà ở các khu phố Hà Nội lâu năm, hay phá ra để lát lại các lối đi vừa mới lát... sẽ là những dự án còn “thực”... tế hơn gấp nhiều lần.

Nguyễn Huệ Chi

clip_image001

Quây bắt rùa lên bờ để chữa bệnh, Hồ Hoàn Kiếm, 08/03/2011. (REUTERS/Kham)

Kể từ đầu tháng Hai đến nay, sức khỏe của rùa Hồ Gươm đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của một bộ phận công luận tại Việt Nam. Báo chí truyền thông chính thức và rất nhiều trang mạng liên tục đưa tin. Hàng loạt hội thảo trong nước và quốc tế đã được tổ chức để bàn cách cứu rùa.

Trong bối cảnh các nguy cơ khủng hoảng kinh tế tại Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng, rất nhiều vấn đề xã hội, chính trị mang tính nước sôi lửa bỏng đang được đặt ra, mối quan tâm khác thường được dành cho rùa Hồ Gươm không khỏi khiến nhiều người phải đặt câu hỏi.

Tại sao rùa Hồ Gươm lại nhận được sự quan tâm đặc biệt như vậy? Tại sao vấn đề sức khỏe của rùa và sự ô nhiễm của môi trường hồ Hoàn Kiếm đã được đặt ra khẩn thiết từ hơn chục năm nay, mà phải cho đến những ngày gần đây chính quyền mới quyết định được giải pháp?

Thảm nạn của rùa Hồ Gươm không chỉ liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường sống, bảo vệ một sinh vật rất quý hiếm. Trước số phận bi đát của con rùa hàng trăm tuổi, là đối tượng của sự sùng kính, nhưng lại ốm yếu, bệnh tật, và sống trong môi trường cực kỳ ô nhiễm trong một thời gian rất dài ngay giữa thủ đô Việt Nam, không thể không đặt ra những câu hỏi về năng lực hành xử của chính quyền tại Việt Nam. Và rộng hơn là vấn đề mối quan hệ giữa tôn giáo tín ngưỡng và mê tín, giữa ứng xử của một chính quyền thế tục và ứng xử của một nhà nước trộn lẫn những hành xử trong đời sống hiện hữu với niềm tin đặt vào một “thế giới tâm linh” huyền bí.

Để bước đầu hiểu rõ hơn các thực trạng liên quan đến rùa Hồ Gươm, RFI đặt câu hỏi với nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc. Từ Sài Gòn, ông Dương Trung Quốc cho biết ý kiến. Mời quý vị theo dõi.

RFI : Xin chào nhà sử học Dương Trung Quốc. Vừa rồi, ở Việt Nam, như anh đã biết, có một sự kiện được nhiều công chúng quan tâm, tức là hiện tượng rùa Hồ Gươm bị mắc bệnh nặng và liên tục nổi lên. Và sau đó, chính quyền và các nhóm chuyên gia đã bàn thảo và đi đến quyết định đưa rùa lên bờ để chữa trị. Vậy thì anh có thể cho biết nhận định của anh về vấn đề này được không ?

Ông Dương Trung Quốc: Đúng là cái sự kiện rùa Hồ Gươm, hay đúng hơn là cứu rùa Hồ Gươm, đang thú hút sự quan tâm của cấp lãnh đạo đến người dân bình thường. Nhưng trong sự quan tâm ấy cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.

Tôi là một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội và sống rất gần Hồ Gươm. Câu chuyện truyền thuyết về Đức Lê Lợi trả gươm thần cho rùa Thần, sau khi chiến thắng giặc ngoại xâm đã có trong sử sách, ngay tên gọi Hồ Gươm cũng ghi nhận huyền thoại ấy rồi. Nhưng mà tôi, và những người có độ tuổi như tôi sống tại Hà Nội, thì thấy rằng sự gắn kết một câu chuyện truyền thuyết với một “Cụ Rùa” có thực, đây là từ người ta hay dùng gần đây, thì chỉ là một chuyện xảy ra gần đây, chứ không phải chuyện ngày xưa. Vả lại, chúng ta cũng biết là, ngay bây giờ, ở đền Ngọc Sơn có một tiêu bản của cũng một “Cụ” nữa, đã “qua đời” từ lâu rồi, mà ta giữ lại làm làm tiêu bản cho mọi người tham quan. Cũng có nghĩa là không thể gắn “Cụ Rùa” hiện tồn với một câu chuyện truyền thuyết.

Câu chuyện rùa Hồ Gươm gắn với cả một sự tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi và tư tưởng Hòa bình của người Việt Nam. Gần đây, có thể do việc rùa xuất hiện ngày càng nhiều khiến người ta càng quan tâm, và đồng thời trong một bối cảnh xã hội, cái tâm trạng xã hội hiện nay, người ta rất tin vào tất cả “những gì nằm ngoài đời sống thực”. Cho nên, sự gắn kết dẫn đến chỗ linh thiêng hóa các thực thể đang tồn tại.

Nếu chúng ta gắn kết cái “Cụ Rùa” ấy với nhân chứng của lịch sử, nhân vật của truyền thuyết thì sẽ phải ứng xử khác, mà cách ứng xử khác này, đôi khi, sẽ không tác động tích cực vào mục tiêu rất quan trọng và cấp bách, là cứu sống một sinh thể như vậy. Đấy chính là cái mà trong toàn bộ quá trình triển khai việc này, (tôi thấy) rất lúng túng. Lúng túng từ cái việc đụng chạm vào “Cụ” như thế nào? Rồi cứ gắn kết cho sự xuất hiện của “Cụ” rất nhiều ý nghĩa khác nhau, cho nên dẫn đến việc chữa trị rất chậm trễ. Bây giờ, gần như cấp bách đến độ, không thể không làm được, thì mới bắt đầu đụng chạm vào.

RFI: Gần đây, tức là vào hồi cuối năm 2009, có chương trình của Đức phối hợp với Việt Nam để làm sạch hồ, thì trong đó, dường như Giáo sư Hà Đình Đức, người chuyên nghiên cứu về rùa Hồ Gươm, được giao trách nhiệm phụ trách chuyên môn phía Việt Nam. Giáo sư Hà Đình Đức, là người ủng hộ cho quan điểm nối kết sự linh thiêng với sinh thể rùa Hồ Gươm, qua việc đề cao mối liên hệ giữa những lần rùa nổi lên với các sự kiện quan trọng. Vậy phải chăng việc một người có quan niệm như thế được phân công phụ trách chương trình liên kết với các chuyên gia Đức làm sạch hồ, thì như anh nói, sẽ không hỗ trợ cho việc tìm ra các giải pháp cụ thể, thực tế và có hiệu quả để giải quyết vấn đề môi trường hồ và sức khỏe rùa, có phải không, thưa anh ?

Ông Dương Trung Quốc: Anh Hà Đình Đức là người rất thân thiết với bọn tôi. Phải nói anh ấy rất nhiệt tâm, và anh ấy cũng hoạt động rất tích cực trong việc bảo vệ môi trường ở Hồ Gươm nói chung, và thứ hai là với “Cụ Rùa”. “Cụ Rùa” cũng là cách nói rất trân trọng mà anh ấy nói về rùa Hồ Gươm. Anh ấy cũng là người nghiên cứu nhiều.

Nhưng mà ở đây tôi muốn nói đến cái giải pháp. Giải pháp không chỉ dựa trên cái gọi là “tâm linh”, mà nó là vấn đề khoa học. Và nó còn là vấn đề phải có phương pháp nào để bảo đảm tính khả thi. Cho nên, cái việc đưa một công nghệ của người Đức vào, không phải không tốn kém, thành phố cũng sẵn sàng và cũng làm, nhưng cũng làm không đến nơi đến chốn được. Chỉ làm nửa vời thôi. Lý do vì sao tôi không biết, có thể là thiếu tiền, thiếu phương tiện, thiết bị, không khả thi, v.v. Cuối cùng là vẫn cứ lúng túng. Làm một thời gian xong, thì bây giờ cái nước hồ về cơ bản vẫn chưa được khắc phục một cách triệt để, và vẫn là một tác nhân tiêu cực đến rùa Hồ Gươm.

RFI: Vừa rồi, liên quan đến cái linh thiêng nằm ngoài hiện thực như anh nói, thì trong mấy ngày vừa qua, để chuẩn bị cho việc đưa rùa Hồ Gươm lên chữa trị, có xuất hiện một số nghi lễ, dường như do chính quyền thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan, được tổ chức tại đền Ngọc Sơn và tại Tháp Rùa. Vậy anh nhận định như thế nào về các nghi lễ này?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi cho rằng cái nghi lễ, trước hết là cái phương tiện để “an dân” đã, tức là làm cho mọi người an tâm. Bởi vì muốn nhìn ở góc độ nào chăng nữa, thì cái quan trọng nhất là tác động vào tâm lý xã hội, điều này thể hiện sự quan tâm, và trân trọng đối với việc làm kể trên. Tôi nghĩ là việc ấy rất bình thường và trở nên quá bình thường ở Việt Nam rồi. Bây giờ, các nhà lãnh đạo đều xuất hiện ở những nơi nào có đời sống tín ngưỡng, đời sống tâm linh, và đời sống mà người dân đang quan tâm. Tôi cho rằng đây cũng là mặt tích cực. Nhưng nếu chúng ta bị quá ràng buộc vào những cái đó, thì tôi cho rằng chưa chắc đã là điều cần thiết.

RFI: Tức là trong trường hợp này, theo anh, nó không ảnh hưởng nhiều đến việc mình đưa ra các giải pháp cụ thể, bởi vì thực tế là, giải pháp đã được đề ra rồi?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi cho rằng nó chỉ là nghi thức thôi, nó chỉ làm an dân, làm an lòng, và không chỉ là an dân, mà còn an cả các nhà lãnh đạo nữa. Bởi vì các nhà lãnh đạo bây giờ cũng rất ngại những điều rủi ro, cái rủi ro trong đời sống xã hội. Cho nên, yên tâm nhất là làm những gì dân thích làm, thì mình cũng làm theo. Và bản thân có thể là chính những người lãnh đạo họ cũng tin nữa.

RFI: Nhưng liệu việc này, trước mắt có thể không ảnh hưởng gì, bởi vì đã có quy trình để trị liệu cho rùa rồi, nhưng về lâu, về dài, như anh phê bình lúc này, việc linh thiêng hóa quá mức các thực thể tồn tại ngoài đời sống thực, thì về sau nó có thể tác động đến quá trình làm sạch hồ và bảo vệ môi trường của hồ hay không?

Ông Dương Trung Quốc: Nếu tiếp tục cách nhận thức như thế này, chắc chắn, sinh thể này (tức rùa Hồ Gươm) một ngày nào đó cũng phải biến mất trên cõi đời này. Vậy lúc đó sẽ giải thích như thế nào? Đấy là điềm gì? Cho nên, quan điểm của tôi là: truyền thuyết là truyền thuyết, và cuộc sống thực là cuộc sống thực, để mà ta có thể ứng xử với nó, có thể tác động đến một cách tích cực, để duy trì các lợi ích lâu dài. Còn sự gắn kết đó, có thể người dân, do những nhận thức khác nhau, tự họ gắn kết. Không nên tạo thành một dư luận xã hội tuyệt đối hóa chuyện đó. Cái này, nó cũng giống như một tín ngưỡng.

RFI: Anh vừa nói đến chuyện “tín ngưỡng” và “tâm linh”. Thái độ đối với những chuyện này rõ ràng có ảnh hưởng đến một ứng xử cụ thể, như vấn đề làm sạch hồ và bảo vệ đời sống các sinh vật, trong đó có rùa Hồ Gươm. Nhân chuyện này, bởi nó không chỉ liên quan đến chuyện bảo vệ Hồ Gươm và một sinh vật quý, mà nó còn liên quan đến các tín ngưỡng của rất nhiều người trong xã hội Việt Nam, tôi xin được đặt vấn đề, hiện nay tại Việt Nam, có nhiều chỉ trích một số nhà lãnh đạo có đưa ra một số định hướng, tham gia trực tiếp đến các hoạt động tín ngưỡng gây ra những tác động, mà báo chí và dư luận gọi là thúc đẩy sự cuồng tín trong xã hội. Với tư cách là nhà sử học và một người hoạt động trong nghị trường, anh có ý kiến như thế nào về chuyện này ?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi nghĩ rằng, tâm linh là một phần của đời sống con người, mà đã có một thời kỳ người ta gắn với cái “mê tín dị đoan”, và có một sự cấm đoán nhất định. Nhưng, từ cực này, hay nhảy sang cực kia, đến giờ đây, có thể nói là người ta rất tôn trọng (tâm linh). Cái tôn trọng này được luật pháp bảo vệ, nhưng đôi khi lại hơi thái quá. Ví dụ như cái hiện tượng gắn với “lễ hội” chẳng hạn. Ví dụ như, lễ hội đền Trần, người ta nói rất nhiều đến các cán bộ, công chức đến đó để cầu cúng chuyện thăng quan tiến chức, không phải bằng chính cái năng lực của mình.

Liên quan đến việc cứu rùa ở hồ Hoàn Kiếm, trong việc hành xử của chính quyền, có thể hiểu được góc độ của sự quan tâm, đầu tư, nhưng cũng có thể hiểu được rằng, (họ có) cái phía quá tin vào những chuyện mang tính chất thuần túy tâm linh, vượt quá giới hạn, như vậy, cũng không phù hợp với cung cách của một nhà nước gọi là “Laïque”, tức là nhà nước không tôn giáo. Cho nên điều này cũng gây phản cảm. Một nhà lãnh đạo mà cứ đứng xì xụp lạy như thế, thì có thể phần nào người dân cho là, anh ta cũng tôn trọng “tín ngưỡng”, nhưng mặt khác, nếu con người hành xử theo tín ngưỡng (như thế) ấy thì làm sao có thể điều hành được một nhà nước thế tục.

RFI: Thưa anh, trong tương lai gần, có khả năng khắc phục được sự chồng chéo, thiếu minh bạch kể trên không ?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi không dùng khái niệm thiếu minh bạch, mà tôi cho rằng, (trong tương lai rồi) sẽ làm cho rõ ràng ra: đời sống tâm linh là một phần của đời sống tinh thần. Mà đã là đời sống tâm linh thì không thể vụ lợi được, thì như vậy, nó sẽ trong sáng hơn. Đời sống xã hội được xây dựng với một hệ thống giá trị dựa trên năng lực, đóng góp của con người, hơn là cái may rủi, việc cầu xin những điều không xuất phát từ chính năng lực của mình.

RFI: Xin trân trọng cảm ơn nhà sử học Dương Trung Quốc đã trả lời phỏng vấn.

TT

Nguồn: Viet.rfi.fr

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn