Bài học và hệ lụy nào rút ra từ cuộc chiến ở Libya?

Nguyễn Hoàng Hà

Người ta rất ngạc nhiên là tại sao hệ thống phòng không của ông Gaddafi ngay từ ngày đầu đến ngày thứ ba mà chưa thấy phát huy tác dụng? Tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề thì chính là do ông ta đã chỉ chăm lo cho túi tiền của mình hơn là lo lắng bảo vệ đất nước và chăm lo đời sống nhân dân.

Về sức dân thì chúng ta đã biết, người dân Libya tính theo đầu người chỉ đạt được mức sống 250 đô-la tháng trong khi là đất nước xuất khẩu dầu lửa hàng thứ 7 của thế giới. Hầu như kinh tế quốc gia này đều nằm trong tay ông Gaddafi và túi tiền riêng của ông – như dự đoán sẽ là 70 tỷ đô-la, riêng số tiền ông để ở các ngân hàng Mỹ và đầu tư vào các ngành sản xuất nước mình cũng lên đến 20 tỷ đô-la. Trong khi đó, số vũ khí hiện có của Libya hầu như là các loại vũ khí cũ kĩ như sau:

Về Phòng không-Không quân: Lực lượng không quân Libya bao gồm 18.000 người với hơn 400 máy bay chiến đấu. Trong đó có: Tu-22, MiG-23, MiG-25, MiG-21; Su-17; Su-24 do Liên Xô/Nga sản xuất; Mirage F1 do  Pháp sản xuất. Phi đội trực thăng gồm có: 35 máy bay tấn công được thiết kế theo kiểu của Nga; 11 máy bay trinh sát ngoài biển, 90 máy bay trực thăng vận tải… Các nhà phân tích ước tính, một số máy bay Libya không còn bay được. Ngoài ra, không quân Libya đã mất 6 chiếc máy bay kể từ khi bắt đầu nổ ra cuộc nổi dậy.

Libya có lưới phòng không tương đối dày nhưng lạc hậu.

Các tên lửa đất đối không đã cũ và không được bảo dưỡng đầy đủ thường xuyên do lệnh cấm vận. Lực lượng chủ lực là 8 Tiểu đoàn tên lửa phòng không S-200 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 250km. Ngoài ra, Libya còn có 3 Lữ đoàn tên lửa phòng không S-125, 5 Lữ đoàn tên lửa phòng không S-75 và nhiều tên lửa đất đối không khác như: Strela-1, Strela-2, Strela-10 do Liên Xô/Nga sản xuất và Crotale do Pháp sản xuất. Theo các nhà phân tích, mối đe dọa lớn nhất đối với các máy bay của Mỹ và đồng minh là hệ thống pháo phòng không và các tên lửa vác vai. Ước tính Libya có 500 khẩu pháo phòng không với cỡ nòng khác nhau và rất nhiều tên lửa vác vai. Trong cuộc chiến Cô-sô-vô, những loại vũ khí này đã chứng tỏ hiệu quả trước lực lượng không quân NATO. Bên cạnh đó, các máy bay trực thăng chiến đấu Mi-17 và Mi-24 cũng sẽ gây nhiều khó khăn với lực lượng NATO. Kinh nghiệm từ cuộc chiến Bô-xni-a cho thấy, các máy bay tiêm kích có tốc độ cao rất khó có thể đánh chặn được các trực thăng đang thực hiện nhiệm vụ tấn công mặt đất.

Về Bộ binh: Libya có 25.000 lính tình nguyện và 25.000 lính nghĩa vụ, được tổ chức thành 11 đơn vị biên phòng, 4 quân khu, một Lữ đoàn an ninh quân đội, 10 Tiểu đoàn tăng, 10 Tiểu đoàn bộ binh cơ giới, 18 Tiểu đoàn bộ binh, 6 Tiểu đoàn đặc công, 2 Tiểu đoàn pháo binh. Ngoài ra, ông Gaddafi còn có khoảng 10.000 đến 12.000 binh sĩ rất trung thành và đặc biệt tinh nhuệ, trực thuộc Lữ đoàn Vệ binh 32 do con trai của ông Gaddafi là Khamis chỉ huy. Vũ khí, khí tài của lực lượng bộ binh Libya đang sử dụng phần lớn mua của Liên Xô (trước đây). Theo ước tính của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), vào năm 2009, Libya có 2.025 xe tăng, gồm 200 chiếc T-72, 100 chiếc T-62, 500 chiếc T-55, 1.040 chiếc T-54, 50 xe thiết giáp BRDM-2 và 70 chiếc EE-9 Cascavel; 1000 chiếc BMP-1, chưa kể BMD. Bộ binh có hơn 400 tên lửa chống tăng MILAN do Pháp sản xuất; hơn 620 tên lửa chống tăng AT-3, AT-4, AT-5 do Liên Xô sản xuất và hơn 400 tên lửa đất đối đất  FROG-7 và SCUD-B.

Về Hải quân: Hải quân có 8.000 binh sĩ, bao gồm cả lực lượng tuần duyên, được trang bị 2 tàu ngầm tuần tra, 3 khu trục và 15 tàu cao tốc tấn công.

Lực lượng Dân quân gồm khoảng 40.000 thành viên, có nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ và hoạt động dưới sự lãnh đạo của các chỉ huy quân sự địa phương.

Theo Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW), Libya có thể đã phá hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học trong nỗ lực xích lại với phương Tây năm 2004. Nhưng OPCW cho rằng, rất có thể Libya vẫn cất giữ gần 10.000 tấn khí gaz hơi ngạt i-pê-rít tại một địa điểm bí mật trong sa mạc. Đây chính là điều mà Mỹ, Pháp, Anh v.v. không dám mạo hiểm đổ quân vào nước này mà dựa trên thế mạnh bằng không quân là chính.

Rõ ràng nhìn vào kho vũ khí của ông Gaddafi thì người ta thấy rõ ông là nhà trọc phú tham giàu sang và khoe mẽ hơn là người chăm lo cho dân, cho xứ sở mình. Cho nên, mấy ngày qua máy bay của Mỹ, Pháp, Anh bay vào ném bom xuống thủ đô và dinh lũy của ông không gặp mấy khó khăn. Nhưng cái khó hiện nay chính là liên minh này đang như rắn mất đầu vì Mỹ không muốn dính sâu vào cuộc chiến vừa tốn kém vừa bị thế giới ngày càng lên án bởi các cuộc ném bom đã gây ra thương vong cho rất nhiều dân thường. Con số dân thường bị chết vì bom liên quân thả nay đã là 198 người và hàng ngàn người bị thương. Đến nỗi, nhiều người trong phe dân quân đang quay ra ủng hộ ông Gaggafi chống Mỹ và liên quân. Theo Phó Giám đốc Tổ chức Tư vấn về nguy cơ chính trị Mappecroft Anthny Skinner, ông Gaddafi hiển nhiên phải kéo dài mọi diễn biến để tồn tại và nếu liên quân muốn lật đổ ông thì cần phải có bộ binh.

Nhà phân tích George Friedman, thuộc Tổ chức Stratfor, cũng nhận định rằng mục tiêu lâu dài của cuộc tấn công là thay đổi chế độ. Anh và Pháp từng can thiệp vào nội chiến ở châu Phi như Sierra Leone nhưng họ đứng về phía chính quyền.

Theo ông Friedman, đứng về phe nổi dậy khó hơn nhiều; tình thế đòi hỏi phải can thiệp sâu hơn để chính quyền của ông Gaddafi sụp đổ.

Nhiều nhận định cho rằng mục tiêu lâu dài của cuộc tấn công thực sự là nhằm thay đổi chế độ. Theo các chuyên gia thì phe nổi dậy ở Libya hầu như chưa từng có một bộ tư lệnh đúng nghĩa và thiếu khả năng kiểm soát quyền lực, nên họ cần người nước ngoài.

Mặt khác, các nhà chiến lược cũng nhận xét rằng khi lực lượng trung thành với ông Gaddafi trà trộn vào khu dân cư thì chỉ có bộ binh mới có thể chiến đấu với họ được, không quân khó có thể làm tròn nhiệm vụ.

Nhà phân tích Henry Wilkinson, thuộc Tổ chức Janusian, nói: “Không lực có giới hạn của nó”. Ông cho rằng chỉ có bộ binh mới có thể giành đất, bảo vệ an ninh cho địa phương và thiết lập chính quyền.

Cuộc chiến gây tổn hại cho người dân vô tội

Cuộc chiến gây tổn hại cho người dân vô tội và tốn kém tiền của vô ích

Trong khi đó, tuần báo Mỹ National Journal lưu ý về chi phí không kích Libya, theo đó, ngày đầu tiên ước lượng lên đến 100 triệu USD. Việc duy trì vùng cấm bay - vốn cần có thiết bị quân sự để theo dõi và ứng phó - tốn từ 30 triệu USD đến 100 triệu USD mỗi tuần.

Việc tuần tra trên bầu trời Libya tốn mỗi tuần từ 100 triệu USD đến 300 triệu USD. Đây là một trở lực khác khi kéo dài cuộc chiến. Đối với quân đội Mỹ, chi phí cao nhất cho cuộc chiến này phải kể đến giá thành đắt đỏ của các loại vũ khí tối tân, nhiên liệu cho máy bay, tiền chiến đấu cho binh sĩ... Tất cả những nhân tố đó sẽ chồng chất lên mỗi ngày chừng nào mà quân Mỹ còn tham gia chèo lái chiến dịch. Tính riêng trong ngày không kích đầu tiên, liên quân do Mỹ dẫn đầu bắn 112 tên lửa hành trình tầm xa Tomahawk, ngốn từ 1 đến 1,5 triệu USD mỗi chiếc. Như vậy, riêng tên lửa đã ngốn khoảng 112 đến 168 triệu USD.

Nhưng ngược lại như đã nói, muốn lật đổ ông Gaddafi không thể chỉ bằng ném bom hay không quân mà phải can thiệp bằng bộ binh. Điều này trái với Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hiệp quốc vừa thông qua không cho phép đưa bộ binh vào Libya mà sứ mạng là lập vùng cấm bay để bảo vệ dân thường Libya khỏi bị sát hại bởi lực lường trung thành với ông Gaddafi. Ba ngày qua với hàng trăm vụ oanh kích, cho người dân libya và thế giới thấy, ý tưởng bảo vệ người dân vô tội không đạt được mà trái lại đã có hàng trăm dân thường chết và hơn 500 người khác bị thương. Ông Gaddafi chẳng chết mà trái lại từ một người bạn thân của Mỹ, Pháp, nay đang là tâm điểm quy tụ người dân Libya và cả thế giới Hồi giáo vốn có nhiều nợ nần và thành kiến với Mỹ và phương Tây vào cuộc chiến chống Mỹ và liên quân. Cuộc sa lầy đã bắt đầu từ đây.

Nội bộ chia rẽ

Chỉ sau 2 ngày ném bom Libya, nội bộ liên quân quốc tế do 3 nước Pháp-Anh-Mỹ lãnh đạo đã có dấu hiệu bất đồng về vai trò của NATO (Khối Quân sự Bắc Đại Tây Dương) trong giai đoạn 2. Đứng ra phối hợp tác chiến trong giai đoạn 1 hiện nay là đại bản doanh Mỹ ở Ramstein (Đức) và Napoli (Ý). Máy bay Pháp-Anh ném bom Libya, trong khi Mỹ chỉ đảm nhận vai trò bắn tên lửa từ chiến hạm. Máy bay Mỹ không tham gia.

Trong các nước tham gia liên quân bao gồm Pháp, Anh, Ý, Bỉ, Đan Mạch, Hy Lạp và Tây Ban Nha, đa số đều muốn NATO lãnh đạo cuộc chiến trong giai đoạn 2, ngoại trừ Pháp. Pháp đã lên tiếng phản đối với lý do nếu giao quyền lãnh đạo cho NATO, các nước Ả Rập – thật ra chỉ có Qatar, còn UAE (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) chỉ tham gia “cứu trợ nhân đạo” – sẽ rút khỏi liên minh, thậm chí có thể lên tiếng tố cáo ngược.

Trong khi đó, Tổng thống Obama muốn NATO nắm quyền lãnh đạo “trong vài ngày tới, chứ không chờ vài tuần”. Rõ ràng, ông Obama đang muốn sớm “giao bóng” cho NATO vì ở trong nước, ông bị phe Cộng hòa chỉ trích kịch liệt. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, bà Ileana Ros - Lehtinen, trách ông Obama đã không giải thích rõ ràng cho nhân dân Mỹ biết Libya đe dọa an ninh Mỹ như thế nào.

Thủ tướng Ý Berlusconi cũng muốn “chuyển giao quyền chỉ huy chiến dịch cho NATO”. Ngoại trưởng Ý Franco Frattini cho biết thêm nếu vấn đề lãnh đạo không ngã ngũ, Ý sẽ lấy lại những căn cứ không quân mà Ý cho liên quân quốc tế mượn.

Na Uy bức xúc tuyên bố đình chỉ các chuyến bay F-16 đã có mặt ở Ý từ ngày 21-3 chừng nào “chưa làm rõ vấn đề lãnh đạo”. Trong khi đó, Đức và nhất là Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ phản đối NATO, một khi được giao quyền lãnh đạo, đưa máy bay ném bom Libya như liên quân đã làm trong 96 giờ qua.

Ngoại trưởng Đan Mạch đề xuất một biện pháp khác: Đưa Đại tá Gaddafi ra tòa án quốc tế để xét xử về tội ác chống lại nhân dân Libya. Đan Mạch – nước có 6 chiếc F-16 tham gia cuộc ném bom – muốn “chế độ Gaddafi phải bị chính người dân Libya lật đổ” vì ai cũng biết “không thể thắng cuộc chiến ở Libya chỉ bằng những cuộc không kích”.

Hậu quả trước mắt nặng nề nhưng hệ lụy cuốc chiến còn dai dẳng mãi khó dứt.

Tuy cuộc phát động ném bom của Mỹ và Liên quân mới chỉ có vài ngày mà hệ quả của nó đã rất lớn, vượt ra khỏi tầm suy nghĩ tính toán của chính tác giả đã gây ra nó. Đó là:

Lòng căm thù của người dân Libya với Mỹ và thế giới phương Tây càng lên cao khó có thể làm phai nhạt khi mà máu hàng trăm dân thường đã đổ.

Vì bị ép vào đường cùng khiến ông Gaddafi phát các loại vũ khí đến toàn dân, chắc chắn các tên lửa vác vai, các tên lửa bắn tàu chiến, có khi cả vũ khí sinh học v.v. càng có khả năng sẽ vô tình trang bị cho cả những người theo đạo Hồi quá khích vốn căm thù Mỹ và phương Tây có dịp trả đũa trong đó Israel hứng chịu là điều chắc chắn. Và sau cùng, từ nay trở đi các máy bay kể cả máy bay hàng không dân dụng, các tàu chiến và cả tàu hàng của phương Tây, không thể đi lại an toàn trong khu vực quan trọng này nữa. Đấy mới là hậu quả nằm ngoài sự mong muốn của các cái đầu nóng hiện nay.

Nhng bài học được rút ra

Bài học được rút ra cho cả hai phía là dùng vũ lực để giải quyết vấn đề dân chủ tự do trên thế giới không phải là liều thuốc đúng mà thậm chí lại phản tác dụng. Người dân bất kỳ quốc gia nào khi xảy ra chiến sự với sự có mặt của ngoại bang đều cho đấy là hành động xâm lược hơn là thành tâm giúp đỡ họ. Nhiều người lên tiếng rằng cuộc chiến nay đã bốc mùi dầu hỏa là vì như vậy.

Còn với ông Gaddafi thì đã có bài học để đời, đó là tham lam, cố vị, độc đoán, chuyên quyền và vô trách nhiệm trước đời sống khốn khổ của nhân dân là nguồn cơn để đẩy đất nước vào vòng nội chiến tương tàn có nguy cơ đe dọa đến độc lập chủ quyền của đất nước mình và đe dọa đến chính ngai vàng và tính mạng của của ông ta. Đây cũng là bài học cho cả các nước khác trên thế giới, phải lấy đó mà tự soi mình.

Qua đây, chắc chắn các nhà quân sự Việt Nam và các nước có dải bờ biển dài lại có nhiều tài nguyên khoáng sản dầu mỏ trên biển đều thấy ra, việc mua sắm hỏa tiễn các loại tầm xa, tầm trung, tầm ngắn đất đối biển hay hỏa tiễn phòng không là rất quan trọng để bảo vệ lãnh thổ lãnh hải của mình.

Người ta cho rằng cuộc chiến đã đi qua xa và cuối cùng thì chỉ có người dân Libya là nạn nhân của cả hai phía mà thôi.

Ngày 22 tháng 3 năm 2011

N.H.H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

HT biên tập

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn