Vinashin có làm thay đổi hội chứng “tăng trưởng bằng mọi giá”?

 

clip_image003

 

Tăng trưởng năm 2010 của Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào đầu tư công - chiếm hơn 40% GDP (IE)

Liệu những bài học được rút ra từ sự cố Vinashin có làm thay đổi tư duy "tăng trưởng băng mọi giá"? Bài viết đăng trên tờ Wall Street Journal (Mỹ) cho thêm một ý kiến bình luận để tham khảo

Tập đoàn đóng tàu Vinashin thuộc sở hữu nhà nước cuối tuần trước không trả được khoản vay đáo hạn thông qua phát hành trái phiếu quốc tế đã làm cho chính phủ Việt Nam thêm đau đầu trong việc kiểm soát nền kinh tế sau một chuỗi dài tăng trưởng và lạm phát cũng tăng cao.

Vinashin đã không thể trả được khoản nợ 60 triệu đô la trong tổng số 600 triệu đô la phải trả cho các nhà đầu tư nước ngoài đã mua cổ phiếu của họ và thông báo với các chủ nợ rằng tập đoàn này chỉ có thể trả được khoản lãi của số tiền trên.

Vinashin đã đồng ý sẽ gặp các chủ nợ vào giữa tháng giêng để bàn việc trả nợ, dù một số nhà đầu tư cho biết họ không chắc là Vinashin sẽ có khả năng trả số tiền lãi này.

Việc Vinashin mất khả năng thanh toán thêm một lần nữa giáng thêm một đòn vào nền kinh tế Việt Nam, từng là một trong những nền kinh tế mới nổi hấp dẫn nhất thế giới.

Thập kỷ qua chứng kiến kinh tế Việt Nam bùng nổ, trên những ruộng đồng lúa mênh mông đã xây nên những nhà máy mới, những tòa nhà cao tầng. Các nhà kinh tế phát triển thậm chí còn coi Việt Nam là một mô hình kinh tế cho các quốc gia khác học tập.

Tuy nhiên trong ít tuần qua, nền kinh tế có chính sách chuyển đổi thiếu hiệu quả này đã bộc lộ rõ điểm yếu khiến cho nhiều nhà đầu tư phải tìm đường thoái vốn đầu tư vào những thị trường mới nổi khác.

Lạm phát của Việt Nam tăng cao, lên tới 11,75% so với tháng 12 năm ngoái trong khi các tổ chức tín dụng Moody, Standard & Poor và  Fitch đều đồng loạt hạ bậc tín nhiệm tín dụng của Việt Nam vì chính sách đạt tăng trưởng bằng mọi giá của Việt Nam trong sáu tháng vừa qua.

Trong khi đó, chính phủ Việt Nam dường như vẫn tiếp tục phá giá đồng nội tệ còn dân chúng thì đổ xô đi dự trữ vàng hoặc đô la. Kể từ giữa năm 2008, giá trị của VND đã mất khoảng 20% khi dòng tiền liên tục được bơm vào thị trường.

Những vấn đề nợ nần leo thang tại Vinashin là một diễn tiến rất mới, nó đe dọa làm tăng thêm chi phí phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế để tìm vốn cải thiện những yếu kém trong cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Một số nhà phân tích nhận định rằng việc Vinashin không trả được nợ là một thời khắc quan trọng đối với Việt Nam: "hoặc bây giờ hoặc không bao giờ".

Kevin Grice, chuyên gia kinh tế của Capital Economics nhận định “với việc không cứu trợ Vinashin, chính phủ Việt Nam đã gửi một thông điệp rõ ràng tới các tập đoàn nhà nước là họ sẽ phải tự xây dựng tất cả và phải loại bỏ tình trạng mất hiệu quả của bộ máy cồng kềnh”.

Chấp nhận không hỗ trợ Vinashin đồng nghĩa với việc chính phủ đang nỗ lực làm giảm sự ỷ lại vào nhà nước và đảm bảo rằng các nhà đầu tư sẽ có thêm nhiều lựa chọn.

Nhưng Grice và nhiều nhà phân tích khác cũng cảnh báo rằng điều này chỉ có thể có hiệu quả nếu chính phủ mạnh tay siết chặt kiểm soát khu vực kinh tế nhà nước vốn chiếm tới một phần ba nền kinh tế và hay được hưởng lợi hơn các công ty tư nhân. Việt Nam cũng cần phải nhanh chóng giảm lạm phát và tránh đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh bằng mọi giá.

“Càng lâu cải cách, hậu quả sẽ càng nặng nề khi thị trường bắt buộc họ làm điều này và lúc ấy hậu quả sẽ rất khó lường”, Grice nhấn mạnh.

Triển vọng một cuộc thay đổi toàn diện dường như chưa rõ ràng. Ju Wang, chiến lược gia tài chính của UBS AG ở Singapore cho rằng việc chính phủ Việt Nam quyết định các tập đoàn giảm  sự lệ thuộc vào chính phủ cũng là vì lượng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở mức rất hạn chế.

Theo IMF thì tới tháng 9 năm nay, lượng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam ở vào khoảng 14 tỷ đô la, con số này chỉ vừa đủ để trả khoảng 6-7 tỷ nợ ngắn hạn và bù vào khoảng thâm hụt nhập siêu 12 tỷ đô la mà chính phủ đã đặt kế hoạch.

Việt Nam có một cơ hội tốt để thay đổi lộ trình và lựa chọn một chiến lược tăng trưởng kinh tế uyển chuyển hơn trong cuộc họp của Đại hội Đảng toàn quốc bắt đầu từ 11/1/2011. Đại hội sẽ bầu Tổng bí thư mới và sẽ giới thiệu Chủ tịch nước cũng như quyết định liệu có để thủ tướng Dũng tái cử nhiệm kỳ hai. Đại hội cũng sẽ đặt định hướng chính sách kinh tế trong năm năm tới.

Ngân hàng thế giới và Qũy Tiền tệ quốc tế IMF và nhiều tổ chức khác đã thúc giục các nhà lãnh đạo Việt Nam kiềm giữ tăng trưởng kinh tế và nên tập trung vào làm giảm lạm phát, giữ vững giá trị tiền đồng. Trong một vài tuần gần đây, giá đô la chợ đen có lúc đã lên tới 21.500 đồng, so sánh với tỷ giá chính thức của Ngân hàng Nhà nước là 18.498 đồng, mức chênh lệch lên tới 15%.

Những người hiểu rõ nội tình thì cho rằng các vị lãnh đạo nhà nước chưa sẵn sàng thay đổi chính sách tăng trưởng kinh tế cao. Thay đổi thượng tầng, nếu có, cũng sẽ không tạo ra thay đổi gì mới về kinh tế nếu các chính sách này vẫn giữ nguyên - một chuyên gia nghiên cứu vấn đề lâu năm cho biết.

Một số nhà phân tích nước ngoài lại quan tâm tới phương thức các nhà hoạch định kinh tế Việt Nam đã có nhiều cơ hội học hỏi các kinh nghiệm của các quốc gia đang phát triển và tránh các vấn đề hiện tại.

Ở châu Á, vào những năm 80 và 90, nhiều quốc gia theo đuổi tăng trưởng kịnh tế và bơm rất nhiều tiền vào nền kinh tế khiến cho khủng hoảng kinh tế nổ ra vào cuối những năm 90 và khiến cho hàng chục tập đoàn nhà nước phải tái cơ cấu.

Việt Nam cũng đang đi theo con đường tương tự, ngân hàng trung ương vừa thông báo là tăng trưởng tín dụng của toàn quốc tăng hơn 29% so với 2009. Có vẻ như là quốc gia này muốn tự mình sai lầm và học lấy kinh nghiệm, hơn là học hỏi kinh nghiệm của người khác.

Tuy nhiên, vẫn có những người tin rằng chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng. Nhà phân tích độc lập Bùi Kiến Thành cho rằng nếu theo đuổi chính sách tài chính mà IMF đề xuất có thể làm tăng trưởng của khối kinh tế tư nhân chậm lại và cũng không có tác dụng gì đối với các vấn đề của doanh nghiệp nhà nước.

Ông Thành nhận định giảm tham nhũng sẽ làm giảm được lạm phát vì số tiền đút lót sẽ làm đội giá lên trong tất cả các công đoạn của chuỗi cung cấp tại Việt Nam.

Một số nhà phân tích Việt Nam khác lại tỏ ra bi quan, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát tăng cao nhưng chính phủ chỉ cho tăng mức lãi suất cơ bản tăng từ 8% hồi tháng 11 năm ngoái lên mức 9% hiện nay.

Theo ông Nguyễn Quang A, thì “Chính phủ đang bàn thảo về việc đạt mục tiêu kiềm giữ lạm phát, và mức đó là 7% giống như họ đã đặt mục tiêu cho năm nay. Tăng trưởng bằng mọi giá như là một nỗi ám ảnh.”

Nguyễn Đức Long (theo Wall Street Journal )

Nguồn: Bee

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn