Thâm thủng ngân sách nhìn từ 'con tàu Vinashin'

Nguyễn Tuấn

clip_image001

 

“Con tàu Vinashin” lại được các đại biểu Quốc hội lấy làm dẫn chứng khi bàn về thâm thủng ngân sách. Ảnh: Hà Nhân.

 

TP - "Thực chất nợ công của nước ta hiện nay là bao nhiêu, đã vượt ngưỡng an toàn chưa? Việc tăng nợ công có dẫn đến phát triển thiếu bền vững?"- ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) mở đầu phiên thảo luận về thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước, sáng 3-11.

GDP tăng, nợ càng tăng

ĐB Nguyễn Minh Thuyết nói, theo báo cáo Chính phủ nợ công của nước ta tương đương 56,7% GDP, nhưng theo tính toán nếu quan niệm nợ công theo thông lệ quốc tế bao gồm cả nghĩa vụ nợ của ngân hàng, của DN nhà nước, thì nợ công không dưới 70% GDP. Báo cáo của Chính phủ cũng chưa cho biết cơ cấu của khối nợ công chiếm hơn nửa GDP có bao gồm nợ xấu không?

Nhắc lại bài học từ Vinashin, ông Thuyết nói: Hôm qua (2-11), một số đại biểu đưa đến QH những tin vui về tập đoàn Vinashin: tập đoàn này sắp xuất xưởng những con tàu hàng chục vạn tấn, vốn chủ sở hữu vẫn còn... Nghe tin này tôi rất mừng, thâm tâm tôi chỉ mong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về vụ Vinashin là không hoàn toàn chính xác, thì rất may cho nhân dân. Nhưng tôi vẫn nửa tin, nửa ngờ là lãi từ việc bán những con tàu mới đóng sẽ được bao nhiêu? Công nghệ đóng tàu thì ta chủ yếu lắp ráp, lấy công làm lãi, như vậy có đủ trả lương cho mấy chục nghìn cán bộ, công nhân không?

"Về vốn nằm trong tài sản, giống như chuyện một anh được vợ cấp vốn đi buôn, mới khuân về được mấy máy secondhand thì hết sạch vốn. Vợ hỏi: có ai đi buôn, mất sạch vốn lại còn nợ nần chồng chất như ông không thì hồn nhiên trả lời: vốn nó làm được cái nhà mình đang sống, ở mấy cái máy cũ nát kia. Cả nước làm ăn như Vinashin thì rồi đây biết bán cái gì để trả nợ?"-ĐB Thuyết nói.

Ông Thuyết lo ngại, mức độ an toàn của nợ công không chỉ phụ thuộc tỷ lệ nợ/GDP, mà quan trọng hơn phụ thuộc tình trạng sức khỏe của nền kinh tế. Khó có thể yên tâm, khi nợ công của ta tăng nhanh trong bối cảnh thâm hụt ngân sách tăng và hiệu quả đầu tư thấp. Tức là chi ra 10.000 thì được lãi có 1.000. Có cơ sở để lo lắng rằng GDP càng tăng thì nợ càng tăng, khả năng trả nợ ngày càng khó.

clip_image002

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Lỗ hổng ngân sách

ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) cho rằng, cần chấm dứt quan điểm tập trung chi cho những công trình trọng điểm quốc gia. Đã đến lúc phải tuyên bố như vậy trước quốc dân, đồng bào. Bên cạnh đó, có nhiều công trình chưa cần thiết và đặc biệt nhân dân rất bức xúc về việc chi cho lễ hội rất nhiều. Cũng phải tuyên bố rằng, từ nay về sau lễ hội phải được xã hội hóa một cách nghiêm túc.

 

"Chúng ta bảo Vinashin còn đất, còn nhà xưởng, còn những con tàu cũ chỉ có thể bán theo giá sắt vụn để trả nợ. Tôi không hiểu lý luận này đúng như thế nào, nhưng tôi rất ấn tượng với giải thích của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh là Vinashin đã vay một số vốn gấp 13,7 lần vốn chủ sở hữu. Thế thì nhân dân hỏi các món nợ 13,7 lần kia anh làm thế nào trả được? Cần phải làm cho rõ xem thế nào là nợ xấu, thế nào là nợ đẹp thì mới nói đến chuyện nợ công được "

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết

Cũng theo ông Đào, chúng ta chi nhưng không biết tiêu thế nào. Chưa thấy báo cáo của một tỉnh nào nói rằng họ tiêu ngân sách kiểu gì. Chúng ta đang thiếu hành lang pháp lý về quản lý, sử dụng ngân sách. Từ chỗ không bộ nào quản lý, các tập đoàn tự tung, tự tác theo kinh tế thị trường, dẫn đến tình trạng không minh bạch về thu, chi ngân sách.

Một số ĐB lo ngại về các chỉ tiêu QH giao năm nay không đạt trong đó có chỉ tiêu về môi trường, xã hội, trong khi giá cả leo thang. Trong đầu tư phải làm sao đảm bảo được cả về môi trường, cả về xã hội để giải quyết được bức xúc của người dân. "Người dân phải có điện để dùng, có sự an toàn, có được nền giáo dục tốt, điều đó cần phải xem xét"- ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) kiến nghị.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng, cần xem xét một cách toàn diện, bản chất hơn quan hệ giữa nợ công, bội chi ngân sách, vượt chi lớn so với dự toán, trong điều kiện thực tế của nước ta còn có nhu cầu phải chi để đảm bảo phát triển nhanh và bền vững. Trong nợ công rất cần chú ý đến cơ cấu nợ công và rủi ro về tỷ giá trong điều kiện đồng tiền của các nước và đồng tiền mạnh cũng đang biến động.

N. T.

Nguồn: Baomoi

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn