Phải kiểm soát chặt chẽ công nghệ khai thác bauxite

Đào Tuấn- Hương Thủy (thực hiện)

clip_image001

 

Dự án bauxite ngoài vấn đề kinh tế cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề môi trường.

 

(Dân Việt) - Tại sao một dự án gần như là đào tài nguyên lên để bán lại phải đặt ra vấn đề hiệu quả kinh tế khi đã bắt đầu thực hiện? NTNN hỏi chuyện chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, nguyên cố vấn Chính phủ.

Theo ông, vì sao đến thời điểm này, khi mà dự án khai thác bauxite đã và đang được triển khai, thì vấn đề hiệu quả kinh tế lại một lần nữa được đặt ra?

- TKV có vẻ đã quá quen với việc đào lên, không phải đóng thuế tài nguyên, để bán. Họ bỏ qua rất nhiều yếu tố, chẳng hạn những tác động ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, những lợi ích kinh tế phải hy sinh, tức là phí cơ hội. Hay các suất đầu tư đi kèm như điện, đường sá, cảng biển...

Chẳng hạn như điện, hiện nay dự án đang lấy điện từ EVN trong khi dự báo của EVN đến 2015 cả nước vẫn thiếu điện trầm trọng. Nếu các nhà máy đi vào hoạt động, đời sống nhân dân cũng như nền kinh tế nói chung phải nhường một phần rất lớn điện năng cho bauxite.

Hay như vấn đề vận tải, chủ đầu tư dự án phải đầu tư chứ không thể bắt nhà nước phải nâng cấp những con đường dân sinh để chở bauxite cho họ.

Quá nhiều yếu tố chưa được đặt ra trong khi tính toán hiệu quả kinh tế. Tôi cho rằng, dự án còn thiếu lý do để có thể thực hiện trong khi cần phải nhắc lại rằng tài nguyên thiên nhiên là của quốc gia, Nhà nước hay Chính phủ được giao trách nhiệm quản lý, sử dụng hiệu quả.

Một con số được nhắc đi nhắc lại là việc khai thác bauxite sẽ đem lại khoảng gần 940 tỷ đồng mỗi năm. Mức lợi nhuận như vậy có tương xứng với những thiệt hại về mặt môi trường, xã hội mà chúng ta phải đánh đổi hay không?

- Tôi cho rằng, không thể có một con số lợi nhuận cụ thể nào có thể đem ra để lựa chọn, để so sánh với một vùng đất đang có nhiều cộng đồng dân cư sinh sống.

Vì thứ chất độc mà việc khai thác bauxite thải ra không biến mất sau 10 năm, sau 100 năm, mà nó tồn tại cả ngàn năm, vạn năm, không có cách gì "biến" chúng đi đâu được.

Ngay thời điểm này, người dân đã bị đầu độc bởi những dòng chất độc thải ra trong quá trình khai thác. Người ta đang bàn về công nghệ ướt hay công nghệ khô, những thứ đó thực chất chỉ là gây độc ít hay nhiều chứ đâu có làm hết được chất độc.

Xét về góc độ kinh tế, có điều gì bất thường khi các dự án bauxite ở Việt Nam sử dụng công nghệ khai thác của Trung Quốc, do nhà thầu Trung Quốc thực hiện, và thị trường cũng là Trung Quốc hoặc độc quyền mua hoặc có tính chất chi phối?

Người ta đang bàn về công nghệ ướt hay công nghệ khô, những thứ đó thực chất chỉ là gây độc ít hay nhiều chứ đâu có làm hết được chất độc.

Ông Bùi Kiến Thành

- Xét về góc độ kinh tế thì chúng ta phải lựa chọn công nghệ tốt nhất. Trong khi với công nghệ được lựa chọn hiện nay của Trung Quốc thì lại chưa qua một quá trình "trắc nghiệm" nào để có thể khẳng định nó là ưu việt.

Tôi cho rằng với vấn đề công nghệ thì phải được giám định cẩn trọng. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã tiến hành khai thác bauxite nhưng hầu như không quốc gia nào lưu lại chất độc như công nghệ Trung Quốc.

Có thể vì yếu tố giá rẻ của công nghệ này nhưng theo tôi vấn đề đặt ra là vấn đề giảm thiểu tối đa tác hại của chất độc chứ không phải rẻ hay đắt. Còn về vấn đề thị trường, tôi cho rằng nếu có 5-7 người mua thì sẽ tốt hơn, an toàn hơn là chỉ có một thị trường, dù khổng lồ.

Vì nếu như vậy sẽ dễ bị thị trường khống chế, làm giá, lúc đó mình không có thế và lực để thương lượng.

Xin cảm ơn ông!

Đ. T. – H. T.

Nguồn: Danviet

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn