Xây dựng nông thôn mới: một danh hiệu hay một tiến trình phát triển?

Vũ Trọng Khải

image Mục tiêu cao nhất của việc phát triển nông thôn là nâng cao mức sống và chất lượng sống về vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, xóa bỏ sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn về mọi mặt của đời sống xã hội.

Để thực hiện mục tiêu này, nội dung của phát triển nông thôn bao gồm:

(1) Công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn;

(2) Đô thị hóa nông thôn;

(3) Kiểm soát cả số lượng và chất lượng dân số;

(4) Bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn.

Để thực hiện các nội dung trên, nông nghiệp nông thôn Việt Nam phải trải qua một quá trình dài, với nhiều bước đi, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về kinh tế - xã hội và môi trường, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, từng tiểu vùng sinh thái, thậm chí phải phù hợp với điều kiện của từng thôn, ấp.

Do vậy, không thể nóng vội, áp đặt một mẫu hình phát triển nào đó cho tất cả các vùng miền, thôn, ấp của nông thôn Việt Nam.

Mỗi địa phương, mỗi vùng sinh thái, mỗi thôn, ấp đều có những vấn đề bức xúc riêng, cần giải quyết để từng bước phát triển, theo 4 nội dung nói trên.

Ví dụ, ở nơi đời sống còn khó khăn, số gia đình thiếu đói nhiều, cần phải có giải pháp phát triển kinh tế, tổ chức các hoạt động tạo thu nhập để xóa đói, giảm nghèo. Có khi chỉ cần làm vài cây số kênh mương dẫn nước tưới tiêu là có thể thay đổi hẳn cục diện sản xuất và đời sống của người dân. Giải quyết được vấn đề tưới, tiêu nước là một bước xây dựng nông thôn mới ở nơi này. Còn nếu xây nhà văn hóa ở đây thì lại là một vấn đề vô duyên. Đã có đình làng vốn là nơi sinh hoạt cộng đồng truyền thống của cư dân nông thôn thì đâu cần xây nhà văn hóa!

Ở nơi khác, vấn đề bức xúc lại là không có nước sạch cho sinh hoạt nên sinh bệnh tật. Việc làm hệ thống cấp nước sinh hoạt sẽ là giải pháp thiết thực trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở đây.

Các xã ven đô (thị trấn, thị xã, hay thành phố) việc cấp bách không phải là xây chợ hay trạm xá, hay trường học, mà nhiều khi lại là việc tìm kiếm kế sinh nhai mới cho những nhà nông bị mất ruộng đất, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường sống do phát triển đô thị và công nghiệp gây ra. Giải quyết được vấn đề bức xúc này cũng là một bước trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, phù hợp với điều kiện cụ thể của những thôn, ấp ấy…

Tất cả những giải pháp cụ thể phù hợp với từng nơi, từng lúc đều nằm trong quá trình thực hiện 4 nội dung phát triển nông thôn nêu trên, vì mục tiêu duy nhất là nâng cao mức sống và chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn, ngày hôm nay phải tốt hơn hôm qua và rút ngắn khoảng cách với các vùng lân cận và thành phố.

Việc xây dựng các công trình hạ tầng như: đường xá, cầu cống, nhà văn hóa – nơi sinh hoạt cộng đồng, hệ thống cung cấp nước sạch… tuy là công việc khó khăn cả về vốn, khả năng quản lý, từ khâu lập dự án đến thi công, giám sát và nghiệm thu, giải ngân… Nhưng điều khó khăn hơn vẫn là quản lý khai thác, sử dụng. Đã có những nhà văn hóa xây dựng xong nhưng không biết tổ chức hoạt động văn hóa cộng đồng ra sao, nên để không, xuống cấp, và lãng phí; nhiều hệ thống cung cấp nước sạch được xây dựng xong, chỉ vận hành được một thời gian ngắn rồi hư hỏng, không sử dụng được; xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, nhưng khi bị bệnh đa số người dân chọn sử dụng dịch vụ y tế tư nhân để tránh thái độ hách dịch, chỉ làm theo giờ hành chính của cán bộ y tế nhà nước, thì liệu việc đầu tư vào cơ sở vật chất hay thay đổi thái độ phục vụ của nhân viên sẽ mang lại lợi ích thiết thực hơn? Nhà vệ sinh tự hoại xây xong thì khoá cửa lại, người dân tiếp tục sử dụng cầu cá vì thoáng mát hơn và không phải nhọc công xách nước dội cầu. Có thôn, ấp xây dựng được nhà văn hóa lớn khang trang, đường làng lối xóm được bê tông hóa, quét dọn sạch sẽ, nhà ở dân cư được xây dựng hoành tráng, nhưng nhà vệ sinh của nhà văn hóa cũng như của mỗi gia đình đều rất… mất vệ sinh; cánh đồng được kiến thiết theo quy hoạch rất đẹp và khoa học, nhưng ngổn ngang vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật trên bờ ruộng, khe nước.

Vì thế cái khó khăn lớn nhất của qui trình xây dựng nông thôn mới là thay đổi lối sống, xây dựng được nếp sống văn minh, cách ứng xử có văn hóa của từng người dân trong quan hệ với nhau, với các tiện nghi vật chất và với môi trường sinh thái.

Đời sống văn minh chỉ trình độ phát triển so với giai đoạn trước đó về vật chất và tinh thần của một cộng đồng, một gia đình hay một quốc gia cụ thể ở một giai đoạn lịch sử nào đó. Xây dựng nông thôn mới cũng là xây dựng đời sống văn minh cho từng thôn, ấp, cho từng gia đình cư dân nông thôn cụ thể cao hơn so với ngày hôm qua của chính họ và so với ngày hôm nay của những thôn, ấp lân cận, của gia đình cư dân hàng xóm.

Nhưng đời sống văn minh của một gia đình hay một cộng đồng dân cư chỉ bền vững khi những tiêu chuẩn văn minh ấy trở thành những giá trị văn hóa, được mọi người tôn trọng và áp dụng trong cách ứng xử với nhau, với tiện nghi vật chất và với môi trường. Đó cũng là điều khó khăn nhất trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tạo lập những cơ sở vật chất văn minh và nếp sống văn hóa là hai mặt của toàn bộ quá trình phát triển nông thôn theo 4 nội dung nói trên.

Xét như vậy để thấy rằng, đối với mỗi thôn, ấp, mỗi gia đình cư dân nông thôn, mỗi sự tiến bộ về trình độ văn minh và nếp sống văn hóa được thiết lập đều đáng trân trọng, và đó là một quá trình lâu dài, kiên nhẫn phấn đấu của cả nước và của mỗi thôn, ấp và mỗi gia đình. Nếu cứ chạy theo 19 tiêu chí và chỉ tiêu số thôn, ấp của xã, huyện, tỉnh đạt “danh hiệu nông thôn mới” theo “tư duy nhiệm kỳ”, “vị thành tích” của mấy vị chức sắc thì sẽ chẳng khác gì cái danh hiệu “thôn, ấp, gia đình văn hóa” mà người ta đã làm trong hàng chục năm qua.

TP. HCM tháng 10/2010

V. T. K.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn