Khai thác bôxít ở Tây Nguyên: Đình chỉ dự án nếu chủ đầu tư làm sai cam kết

image SGTT.VN - Trước khi xảy ra thảm hoạ bùn đỏ ở Hungary, chủ đầu tư – công ty sản xuất và kinh doanh bôxít – nhôm Hungary (MAL) có rất nhiều tuyên bố khẳng định tính an toàn của hệ thống chứa chất độc này. Nhiều cơ quan về môi trường cũng cho rằng hồ chứa an toàn. Tập đoàn Than – khoáng sản Việt Nam (TKV) từng có những lời cam kết tương tự, khiến dư luận không khỏi quan ngại về tính xác thực của nó.

Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với TSKH Nghiêm Vũ Khải, phó chủ nhiệm uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường Quốc hội (Uỷ ban) về trách nhiệm giám sát việc thực hiện các cam kết của TKV.

Trước khi xảy ra sự cố vỡ đập hồ chứa bùn đỏ tại mỏ khai thác và chế biến bôxít ở Hungary, chủ đầu tư dự án nước này khẳng định nhiều lần về sự an toàn của hồ chứa. Điều đó rút ra bài học gì cho Việt Nam?

Sự cố trên là một lời cảnh báo cho vấn đề xử lý bùn đỏ trong các dự án chế biến bôxít trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo tôi, nhân dịp này chủ đầu tư, các cơ quan có trách nhiệm phải tiếp tục đánh giá, kiểm tra để nâng cao độ an toàn của công trình hồ chứa bùn đỏ. Cần lường hết những yếu tố rủi ro có thể dẫn đến sự cố môi trường, nhất là trong điều kiện khắc nghiệt của biến đổi khí hậu.

Uỷ ban đánh giá như thế nào về khía cạnh môi trường, trong đó có phương án xử lý bùn đỏ của một số dự án chế biến bôxít ở Tây Nguyên?

Riêng góc độ môi trường, có nhiều chuyện cần lo, nhưng cái lo nhất là vấn đề xử lý bùn đỏ như thế nào. Tây Nguyên được ví như như mái nhà Đông Dương, nếu khu vực chứa bùn đỏ trên “mái nhà” xảy ra sự cố, khả năng chất thải này tràn xuống thung lũng, thậm chí có thể lan toả ra biển vùng duyên hải miền Trung.

Việc lập dự án đầu tư phải tuân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đã không thực hiện đầy đủ cam kết về trách nhiệm.

Đầu năm 2009, phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp chủ trì một hội nghị về những vấn đề liên quan đến các dự án bôxít tại Tây Nguyên. Sau khi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, các nhà khoa học, phó Thủ tướng yêu cầu bộ Công thương chỉ đạo chủ đầu tư là tập đoàn TKV phải bổ sung, hoàn thiện thiết kế của hồ chứa bùn đỏ, chỉ đạo thi công đúng như thiết kế để chất thải nguy hại này không thấm vào nước ngầm, không vỡ đập, không tràn khi có mưa lớn. Bộ Tài nguyên và môi trường có trách nhiệm chủ trì kiểm tra, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, kể cả thẩm định thiết kế hồ chứa bùn đỏ.

Uỷ ban chúng tôi đã đi khảo sát, giám sát nhiều lần tại khu vực phân bố bôxít của các tỉnh Tây Nguyên đồng thời đã nghiên cứu nhiều kiến nghị, yêu cầu. Các ý kiến của uỷ ban đã được gửi tới Chính phủ, các cơ quan hữu quan, được xem xét, tiếp thu nghiêm túc.

Thiết kế có tốt mấy nhưng thi công, vận hành không nghiêm túc thì chưa thể đảm bảo an toàn. Tới đây, nhất là sau thảm hoạ bùn đỏ ở Hungary chúng tôi sẽ tiếp tục giám sát, làm việc để không xảy ra sự cố tương tự.

Dự án khai thác bôxít của chúng ta đã tính đủ chi phí về môi trường, trong đó có chi phí dành khắc phục những hậu quả về môi trường có thể xảy ra trong tương lai chưa, thưa ông?

Việc lập dự án đầu tư phải tuân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đã không thực hiện đầy đủ cam kết về trách nhiệm bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Tôi lấy ví dụ, để chuyên chở 1 – 1,2 triệu tấn sản phẩm alumin được chế biến hàng năm thì cần phải mất 50.000 – 60.000 chuyến xe loại 20 tấn. Với lượng lưu chuyển như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đường sá, cầu cống cũng như gây nhiều tác động xấu khác đến môi trường. Về nguyên tắc, dự án khai thác, chế biến bôxít của chúng ta phải tính tất cả những chi phí này. Nếu tính hết các yếu tố chi phí mà dự án chưa có hiệu quả thì chưa nên triển khai.

Trách nhiệm quản lý nhà nước là phải có biện pháp kiểm tra, thanh tra, giám sát để nhà đầu tư phải thực hiện đúng pháp luật. Cần thiết thì phải thực hiện các chế tài để xử lý vi phạm thật nghiêm, thậm chí đình chỉ dự án.

THẢO NGUYỄN (THỰC HIỆN)

Xung quanh những diễn biến thời sự về thảm hoạ bùn đỏ ở Hungary, sau loạt bài đăng trên các số báo vừa qua, Sài Gòn Tiếp Thị nhận được nhiều ý kiến quan tâm của bạn đọc trong mối liên hệ với các dự án khai thác bôxít đang triển khai ở Tây Nguyên nước ta.

Qua bàn tay con người, tất cả đều có thể có rủi ro

Báo chí phân tích điều khiến cho công ty sản xuất và kinh doanh bôxít – nhôm Hungary (MAL) có thể chủ quan trước hiểm hoạ có lẽ một phần vì họ tin vào sức mạnh công nghệ. Thế nhưng, công nghệ dù hiện đại đến đâu, qua bàn tay “vận hành” của con người, nhất là con người kinh doanh – vốn có động cơ tối thiểu hoá chi phí, tối đa lợi ích, tất cả đều có thể có rủi ro.

Chính phủ ta tự tin rằng “hiện nay, công nghệ hiện đại thải và chứa cách ly bùn đỏ đã đạt hiệu quả gần như an toàn tuyệt đối với môi trường”. Liệu niềm tin ấy có cơ sở không khi công nghệ ta sử dụng là công nghệ “ướt” – rẻ tiền như ông Nguyễn Thanh Sơn nói? Hơn nữa, từ thiết kế, thi công đến vận hành là cả một quá trình, sơ suất ở bất kỳ khâu nào cũng có thể dẫn đến thảm hoạ. ở Việt Nam từng có chuyện điều chỉnh thiết kế cho tiết kiệm chi phí, cho tiện (đó là chưa nói đến chuyện thiết kế đó có hợp lý hay chưa); lại có thói quen đánh trống bỏ dùi, an tâm với những báo cáo trên giấy mà không kiểm tra, giám sát thực địa… Tất cả đều tích tụ nguy cơ rủi ro.

RIEUTA…@YAHOO.COM

Sao lại nói bùn đỏ không độc hại cho môi trường?

Trước khi xảy ra thảm hoạ bùn đỏ, công ty sản xuất và kinh doanh bôxít – nhôm Hungary (MAL) khẳng định trên trang web của mình: theo tiêu chuẩn an toàn của EU thì bùn đỏ không phải là chất thải độc hại. Sau khi xảy ra thảm hoạ, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường nước này nói rằng chẳng ai có thể sống được tại những ngôi làng này trong mười năm tới, dù đã được dọn dẹp sạch bùn”. Còn bộ trưởng Môi trường thì thừa nhận bùn đỏ chứa một số kim loại nặng có khả năng gây ung thư với người tiếp xúc và cảnh báo người dân đeo mặt nạ tránh hít bụi độc.

Liên hệ với các dự án khai thác bôxít ở Tây Nguyên nước ta, trước khi cho phép làm “thí điểm”, trước lo ngại về ô nhiễm môi trường, Chính phủ khẳng định có thể kiểm soát vấn đề này, rằng theo báo cáo, kết quả phân tích bùn đỏ của bôxít Tây Nguyên không có chất gây độc hại cho môi trường… (theo báo điện tử Dân Trí). Liệu Chính phủ có tiến hành nghiên cứu độc lập nào hay chỉ nghe theo báo cáo của bộ Công thương rồi kết luận? Đến lượt mình, bộ Công thương có nghiên cứu hay chỉ nghe theo báo cáo chủ đầu tư – vốn có động cơ để che giấu thông tin? Dù thế nào đi nữa thì những hậu quả nhãn tiền đang xảy ra ở Hungary đã cho thấy bùn đỏ rất độc hại, không chỉ đối với môi trường mà còn đối với cả tính mạng môi trường.

TƯỜNG MỸ

Môi trường chỉ là mối quan tâm trên giấy?

Ở nước người ta, trước khi xây dựng nhà máy, họ đã làm đủ hết các bước đánh giá tác động đối với môi trường và sức khoẻ con người như vậy mà vẫn bị “sập bẫy” về thông tin. Không hiểu sao hầu như tất cả các quan chức từ các cơ quan về môi trường, nội vụ đều cho rằng bùn đỏ không độc hại? Phải chăng vì cựu Thủ tướng Gyurcsány Ferenc của nước này có lợi ích trong công ty MAL trước khi lên làm thủ tướng và công ty này ngày nay vẫn do các bạn đầu tư của ông vận hành? Nếu vậy thì thật đáng sợ vì phải đến khi thảm hoạ xảy ra, sự thật mới được phơi bày.

Ở ta, dù dự án quan trắc môi trường tại khu vực nhà máy Tân Rai đã được phê duyệt, nó vẫn chưa được triển khai chứ chưa nói đến chuyện quá trình triển khai có trung thực hay không. Trong khi công tác thi công hồ chứa bùn đỏ, nhà máy đang được tiến hành, điều đó cho thấy vấn đề môi trường chỉ là mối quan tâm trên giấy.

THUY679@YAHOO.COM

Nguồn: SGTT

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn