Vinashin – Chuyện bây giờ mới kể (Bài 5) [*] khi người khổng lồ chân nặn bằng đất sét mắc bệnh “Sở Cuồng” [1] mãn tính

Lê Trung Thành

image Khoản tiền Chính phủ phát hành trái phiếu quốc tế lần đầu tiên đã biến Vinashin sau một đêm ngủ dậy trở thành “người khổng lồ”. Sau khi ký hợp đồng vay lại 750 triệu USD từ Bộ Tài Chính VNS ồ ạt rải tiền dọc theo “bờ biển nước ta dài 3.200km…” với sự hậu thuẫn của những người từng mộng mơ tới cụm từ “lọt vào tốp 5 cường quốc đóng tàu”! Ông Phạm Thanh Bình chi tiền quá mạnh tay cho nhiều dự án chưa lập luận chứng, chưa cần báo cáo đầu tư khiến nhiều địa phương lầm tưởng rằng, VNS đang đầy ắp vốn sẽ là cứu cánh giúp họ mau chóng nâng cao tỷ trọng sản xuất công nghiệp, mở ra một niềm hy vọng mới cho những tỉnh thuần nông quanh năm đầu tắt mặt tối mà dân vẫn nghèo nàn, lạc hậu. Nhờ cách nghĩ cả tin đến ngây thơ, VNS nhanh chóng “chiếm đoạt” được những vùng lúa năng suất cao, những cánh rừng ngập mặn phòng hộ đẫm phù sa, những vùng làng đông đúc dân cư, những đầm tôm, hồ cá, những ruộng muối trắng ngần mà chẳng tốn kém mấy tiền. Được nuông chiều, được mời mọc, được đãi đằng còn hơn cả các chính khách, ông Chủ tịch Tập đoàn VNS ở đâu cũng hứa với những lời có cánh cỡ chim đại bàng khiến quan chức địa phương ngây ngất.

Các ông Lê Lộc – Tổng giám đốc phụ trách đầu tư và ông Nguyễn Quốc Ánh – Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh lại có dịp trổ tài biến những bài “đít-cua” của Chủ tịch Phạm Thanh Bình thành hiện thực bằng những lễ khởi công hoành tráng, có đủ mặt văn võ bá quan chứng kiến. Dự án nối tiếp dự án ra đời và tập trung nhiều nhất, lớn nhất là vào năm 2006 và 2007 bởi VNS đã nắm trong tay 750 triệu USD, 8.300 tỷ đồng phát hành trái phiếu trong nước và 600 triệu USD vay của Ngân hàng Thụy Sĩ.

Nếu tính từ vùng đất Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh (đã viết trong bài 3) với siêu dự án khổng lồ 15 tỷ USD khởi công tháng 3.2007 thì tại khu kinh tế tổng hợp Đình Vũ (Hải Phòng) công ty đóng tàu Phà Rừng khởi công xây dựng cảng tổng hợp và cụm công nghiệp phụ trợ vào ngày 1.8.2007 với tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng. Về đến tỉnh lúa Thái Bình, VNS lập dự án xây dựng Nhà máy đóng tàu và cảng Tân Đệ, chiếm 28,5 ha đất của huyện Vũ Thư, đồng thời xây dựng Nhà máy đóng tàu Diêm Điền thuộc huyện Thái Thụy trên diện tích 30 ha. Tổng vốn đầu tư của hai dự án là 1.109 tỷ đồng. Lãnh đạo tỉnh Thái Bình mừng lắm, nghĩ tới những diêm dân trẻ sẽ trở thành những công nhân kỹ thuật đóng tàu nên quyết định trích ngân sách hỗ trợ cho VNS tiền san lấp mặt bằng 18.000 đồng/m2 giảm 50% tiền thuê đất và cấp cho mỗi học viên được đào tạo nghề là 500.000 ngàn đồng cho một người. Tiến vào đất Nam Định, dự án của VNS vĩ đại hơn cả với kế hoạch xây dựng Khu kinh tế Ninh Cơ trên diện tích 8.780 ha của hai huyện Hải Hậu và Nghĩa Hưng. Một cảng biển Lạch Giang hiện đại sẽ hình thành để phục vụ 4 khu công nghiệp trong đó có một nhà máy nhiệt điện công suất 600MW và… một sân bay hạng trung làm bàn đẩy cho Nam Định tiến vọt lên… mây xanh. Cùng lúc ấy vào tháng 6.2007, VNS chính thức triển khai ba dự án khác bao gồm “Nhà máy đóng tàu Thịnh Long (thị trấn Thịnh Long), Nhà máy chế tạo thiết bị đóng tàu VNS ở khu công nghiệp Mỹ Trung huyện Mỹ Lộc”. Hai nhà máy này sẽ hoạt động vào quý 1 năm 2008. Để đảm bảo năng lượng cho các cụm công nghiệp hoạt động, VNS giao cho Công ty cổ phần công nghiệp đóng tàu Hoàng Anh làm chủ đầu tư xây dựng. Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng công suất 175 MW với số vốn 1.481 tỷ đồng, khởi công vào ngày 12.5.2007 và dự kiến sẽ phát điện tổ máy đầu tiên vào cuối năm 2009. Trước một nhà đầu tư đáng kính như VNS, lãnh đạo tỉnh Nam Định vui mừng khôn xiết. Nhưng rồi niềm vui cứ giảm dần theo thời gian, khi các cơ quan hải quan, cảnh sát bảo vệ môi trường phát hiện những chuyện động trời trong gần 931 tấn thiết bị nhập khẩu từ Hàn Quốc về cảng Cái Lân có giá trị 610 tỷ đồng mà chủ hàng là Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long – VNS (một công ty con của Công ty cổ phần thép Cửu Long – VNS). Khi tiến hành kiểm tra, người ta thấy hầu hết các “thiết bị xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng” đã qua sử dụng. Loại cũ nhất sản xuất… 1967 và sớm nhất là 1978, 1979. Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) đã gửi văn bản số 2242/BCN ngày 22.5.2007, tới Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định về việc thẩm tra dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng nêu rõ: “Dự án đầu tư và thiết kế cơ sở cho thấy có dấu hiệu sử dụng máy móc thiết bị cũ (kể cả thiết bị chính)…”. Ngày 15.6.2007, Bộ công nghiệp lại gửi công văn tới UBND tỉnh Nam Định yêu cầu đình chỉ dự án xây dựng Nhà máy. Vì trong danh mục quy hoạch nhiệt điện đến năm 2010 và 2020 không có chủ trương xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng nên tới ngày 6. 9. 2007, Bộ Công thương chính thức gửi văn bản số 1501 tới UBND tỉnh Nam Định và Tập đoàn VNS khẳng định việc xây dựng Nhà máy nhiệt điện không phù hợp với quy hoạch kế cả đến năm 2025. Còn với lô hàng 931 tấn han rỉ, cũ nát đến vậy nhưng VNS vẫn bao biện rằng, các thiết bị này… còn dùng tốt, còn đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường và đề nghị sớm giải tỏa cho họ mang về công trình lắp đặt!

Trên dải đất miền trung, VNS cũng có hàng chục dự án lớn nhỏ, nào là đầu tư xây dựng cụm công nghiệp tàu thủy Quảng Bình, cụm công nghiệp phụ trợ và cảng Cửa Việt (Quảng Trị) tiếp nhận chuyển giao cảng Chân Mây (Thừa Thiên – Huế) và xây dựng cụm công nghiệp tàu thủy tại Đà Nẵng… Tuy nhiên chẳng có dự án nào lớn bằng đại dự án xây dựng Công ty công nghiệp tàu thủy Dung Quất tại Quảng Ngãi. Từ năm 2001, khi khu kinh tế Dung Quất đang im ắng vì sự chuẩn bị thoái lui của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Nga khỏi liên doanh xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất thì sự có mặt của lá đơn xin đầu tư xây dựng Nhà máy đóng tàu và cụm Công nghiệp phụ trợ của Tổng công ty CNTT Việt Nam thổi một làn gió ấm xua bớt sự hoang lạnh của toàn dự án. Các vị lãnh đạo tỉnh và khu kinh tế Dung Quất “trải thảm đỏ” đón những người hùng VNS, cắt ngay 118 ha đất của xã Bình Đông, huyện Bình Sơn và cấp giấy chứng nhận đầu tư… nhanh chưa từng thấy! Ngày 17.2.2003, vns tổ chức lễ khởi công trong niềm hạnh phúc vô bờ của người dân quanh vùng. Cái tin VNS sẽ tuyển đến 6.000 lao động rồi lên 10.000 vào năm 2010 làm nức lòng trai tráng đang sống lắt lay trên đồng ruộng. Nhờ khoản vay ưu đãi 99,8 triệu USD của Chính phủ Trung Quốc thông qua Chính phủ Việt Nam, ngày 20.10.2004, VNS ký hợp đồng với nhà thầu Tổng công ty đầu tư phát triển Hoa Nguyên – Thượng Hải và Tổng công ty xuất nhập khẩu máy Vân Nam (Trung Quốc) làm tổng thầu thiết kế, mua sắm, xây dựng Nhà máy đóng tàu Dung Quất. Với tổng vốn của cả hai giai đoạn ước tính 6.200 tỷ đồng (giai đoạn 1: 3.700, giai đoạn 2: 2.500), ông Phạm Thanh Bình sẽ đẻ ra một chàng khổng lồ mang tên Dung Quất, có thể đóng tàu 150.000 DVVT tiến đến đóng tàu 400.000 DVVT. Bên cạnh đó, khu công nghiệp phụ trợ bao gồm mười nhà máy cộng với nhà điều hành bảy tầng, khu hậu cần tại thành phố Vạn Tường khang trang có đầy đủ biệt thự, nhà ở cao cấp rộng 25 ha đủ cho 6.000 hộ gia đình, chuyên gia, Kỹ sư sinh sống, kèm theo một nhà ăn ba tầng “lớn nhất Việt Nam” vì mỗi tầng rộng đến 3.200 m2 và một nhà nghỉ ca đêm có 320 phòng đủ chứa 1.500 người! Thật là đáng nể! Dự án này có mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, khởi công ngày 20.12.2007 nhưng chẳng nhúc nhích là bao nên cách đây ít ngày UBND tỉnh Quảng Ngãi có công văn nhắc nhở VNS đẩy nhanh tiến độ, nếu chậm nữa thì sẽ bị thu hồi! Điều đáng nói nhất vẫn là chuyện đóng tàu của người khổng lồ Dung Quất. Ông Lê Lộc từng tuyên bố chắc như “đinh đóng … vào giấy” là hết năm 2008, con tàu chở dầu 104.000 DVVT đóng mới cho Công ty vận tải viễn dương VNS sẽ xuất bến đi chở dầu cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, thế mà tới bây giờ, tàu chẳng thấy đâu! Còn ba chiếc tàu 105.000 DWT đóng theo hợp đồng ký với Tổng công ty cổ phần vận tải dầu khí Việt Nam (Pvtrans) từ ngày 14.2.2007 với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội cũng mới xong…10%. PVtrans thiệt đơn, thiệt kép, phải bỏ hơn 50 triệu USD mua một con tàu chở dầu của Hàn Quốc thế chỗ cho việc VNS không giao tàu đúng hẹn. Nghe đâu đến quý IV – 2010, may ra có một con xuống biển nhờ sau khi Tập đoàn Dầu khí quốc gia tiếp nhận Nhà máy đóng tàu Dung Quất, họ đã gấp rút đầu tư tiền vốn đẩy nhanh tiến độ, tạo thêm việc làm cho hàng ngàn công nhân mất việc từ thời ông Bình, ông Cao Thành Đồng quản lý.

Nghĩ đến chuyện Dung Quất, nhắc tới chuyện từ ngày ký nhiều hợp đồng đóng tàu với các chủ hàng mà chưa xong chiếc nào, những ai từng đến, từng ngắm nhìn “khẩu hiệu hành động” của ông Phạm Thanh Bình “Đóng tàu lớn, giao tàu nhanh, chất lượng tốt, an toàn cao, giá thành hạ” mới thấy hài hước làm sao! và người ta cũng nhớ tới câu nói đầy kiêu hãnh của ông Tổng giám đốc Lê Lộc “Nhà tỷ phú Gami - người Isarel đã đặt VNS đóng 8 tàu chở dầu loại 315.000 DWT tại Dung Quất” . May mà lời nói khuếch khoác này không thành hiện thực!

Trong lúc “lên đồng”, Chủ tịch Vinashin đã tới Khánh Hòa bàn chuyện xây dựng Nhà máy sản xuất thép liên doanh với tập đoàn POSCO – Hàn Quốc trên diện tích 996 ha vùng vịnh Vân Phong. Dự án đã được Thủ tướng gật đầu cho tiến hành nghiên cứu nhưng kẹt một nỗi nếu nó ra đời sẽ phá hỏng quy hoạch và môi trường của vịnh Vân Phong nên ông Bình đã ngãng ra. Thay vào đó, ông tuyên bố sẽ bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng đầu tư một loạt dự án rộng 1.300 ha phía vịnh Cam Ranh. Theo đó, các khu công nghiệp, khu du lịch sinh thái sẽ được xây dựng từ 250 – 300 ha ở thôn Hòa Diên, xã Cam Thịnh Đông, từ 400 – 450 ha tại khu công nghiệp Cam Ranh và 100 ha tại Bắc Hòa Quy. Một khu đô thị lớn rộng 200 ha sẽ mọc lên trên vùng xoài và cát trắng Cam Phú – Cam Linh. Hơn thế nữa VNS sẽ thay chỗ Tổng công ty hàng không Việt Nam đầu tư vào dự án Hồ Sông Cạn và cùng Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước đầu tư xây dựng lại cảng hàng không dân dụng Cam Ranh thành một nhà ga quốc tế sang trọng bậc nhất miền trung.

Còn vào đến vùng muối công nghiệp và chế biến, nuôi trồng thủy sản ở khu vực Cà Ná, huyện Ninh Phước của đất Ninh Thuận ngập nắng, ông Phạm Thanh Bình dẫn theo phái bộ của Công ty Maju Stabil mới thành lập ngày 24.5.2007, thành viên của Tập đoàn Lion - Malaysia tới bàn chuyện thành lập Công ty TNHH Thép VNS – Lion với số vốn điều lệ 780 triệu USD tương đương 12.480 tỷ đồng. Trong đó vốn của Maju chiếm 70% VNS góp 30% bằng … đất. Giai đoạn 1 sử dụng 662 ha để xây dựng khu liên hợp thép công suất 4,5 triệu tấn một năm và kết thúc giai đoạn 2 sẽ sản xuất 14,4 triệu tấn/năm vốn đầu tư lên tới 9,8 tỷ USD. Liên doanh sẽ xây dựng một nhà máy điện công suất 1.450 MW và cảng biển công suất bốc xếp 50 triệu tấn một năm. Khỏi phải nói tới sự sung sướng cao độ của các vị lãnh đạo Ninh Thuận. Vùng đất quá nghèo, thu nhập thấp vào loại nhất nước, có một dự án thép là trên cả tuyệt vời! vội vã cấp đất, vội vã cấp giấy chứng nhận đầu tư, Ninh Thuận làm hết sức mình để cho dự án không tuột khỏi tay mình. Đáp lại thịnh tình của địa phương, VNS và đối tác tổ chức lễ khởi công vào sáng 23.11.2008 hứa hẹn tới hết 2010 kết thúc giai đoạn 1. Thế nhưng sau lễ, sau khi đền bù 84 tỷ đồng để thu hồi 662 ha, liên doanh chẳng thấy động tĩnh gì! VNS đỗ lổi cho Maju, còn Maju im hơi lặng tiếng, chắc là lại do… khủng hoảng kinh tế giống VNs nên nhà đầu tư bỏ cuộc.

Một số nhà kinh tế phân tích rằng, Lion là tập đoàn kinh doanh đa ngành, không thạo sản xuất thép bằng buôn bán nên họ thừa thông minh để làm bài toán góp vốn với VNS. Chộp được hơn sáu trăm ha đất đền bù cho dân hết hơn tám chục tỷ đồng mà VNS tính đổi lấy 30% vốn trị giá 234 triệu USD thì mỗi ha đất Cà Ná có giá lên tới gần… 8 tỷ đồng. Như vậy Maju tìm đường tháo thân là có lý lắm! Chỉ tiếc cho tỉnh Ninh Thuận, mong chờ mãi mới có nhà đầu tư “xịn” đến nhưng chưa nóng chỗ đã thấy mùi thất bại.

Vào tới vùng đồng bằng sông Cửu Long, VNS vừa ngỏ lời đã nhiều tỉnh chìa tay đón rước trọng thể. Mấy ông lãnh đạo tỉnh Tiền Giang nhiệt tình đến mức sẵn sàng giao ngay 285 ha đất trồng rừng phòng hộ ven đê biển thuộc xã Vàm Láng, huyện Gò Công Đông cho VNS san lấp mặt bằng xây dựng Khu công nghiệp tàu thủy Soài Rạp. Dự án xây dựng nhà máy đóng tàu cỡ 70.000 DVVT tại vùng đất nghèo của tỉnh Tiền Giang mang lại niềm hy vọng cho biết bao người. Hy vọng đến mức trong bản quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Gò Công Đông có đoạn viết “Lấy công nghiệp cơ khí đóng tàu, làm trọng tâm phát triển công nghiệp. Xây dựng khu công nghiệp tập trung Vàm Láng – Gia Thuận với quy mô diện tích 500 ha doVNS đầu tư”. Vậy mà từ khi giao đất cho VNS tính đến nay đã hơn 4 năm nhưng chưa xong công tác san lấp. Chờ mãi không thấy tiến triển gì, vào tháng 6.2009, UBND Tiền Giang gửi công văn yêu cầu VNS mau chóng hoàn thành các thủ tục đầu tư và chính thức thu hồi 200 ha đất định giao thêm cho VNS xây dựng khu công nghiệp.

Khu công nghiệp tàu thủy Soài Rạp – VNS, cái tên kêu như chuông giờ tắt lịm. Phần đất san lấp cỏ mọc lút đầu, còn người dân Vàm Láng sống trong lắt lay tạm bợ. Những đầm tôm mang lại giàu có cho bao hộ gia đình biến mất từ lâu nhưng không ai quên được cái giá đền bù chỉ có… 8.000 đồng một m2 không đủ mua một tô hủ tiếu! Chẳng thế mà toàn bộ 285 ha, VNS “són” ra có… 30 tỷ đồng tiền bồi thường!

Tương tự như số phận đen đủi của Khu công nghiệp tàu thủy Soài Rạp, Cụm công nghiệp và đô thị ở huyện Lai Vung và cảng sông, khu đô thị mới, trường dạy nghề ở thành phố Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp cũng chẳng hơn gì. Vào tháng 11.2007, VNS khẳng định quyết tâm đầu tư lớn vào vùng Đồng Tháp với đủ loại dự án. Nào là xây dựng Nhà máy đóng tàu 30.000 DWT, nào là xây dựng Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hiện đại tại khu vực Tràm Chim huyện Tam Nông để góp phần bảo vệ các loài chim di cư… Toàn là dự án cực lớn, cực hấp dẫn nên lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp chủ động lên phương án bồi hoàn cho dân và dài cổ ngóng nhà đầu tư từ Hà Nội vào. Càng chờ, càng lặn bóng chim, tăm cá nên UBND Đồng Tháp cũng gửi công văn cho VNS ngày 16.7.2009 đề nghị trả lời về việc đầu tư vào Đồng Tháp. Trong khi chờ đợi, người dân vùng dự án treo phấp phỏng, lo âu, chẳng dám sửa nhà, xây nhà, chẳng dám bỏ vốn cấy trồng vì sợ VNS “bất ngờ đánh úp”.

Khổ đau, tức tưởi, dẫn tới việc nhiều gia đình căm giận VNS đã tước đoạt nguồn sống bao đời của họ rồi để hoang hóa nhưng bi hài nhất, có lẽ là dự án Khu công nghiệp tàu thủy và Nhà máy đóng tàu Hậu Giang. Được ra ở riêng từ năm 2004 sau khi tách khỏi Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang thiếu thốn trăm bề. Ước mong xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật điện, nước, cầu đường giao thông song song với các kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp nhưng vốn ngân sách nhỏ nhoi nên Hậu Giang có nhiều chính sách ưu đãi các nhà đầu tư có hướng làm ăn lâu dài trên đất Hậu Giang. Chính vì vậy, khi Tập đoàn VNS lập dự án xây dựng Cụm công nghiệp tàu thủy và Nhà máy đóng tàu Hậu Giang thì đến cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mừng rỡ. Tại lễ khởi công sáng 30.4.2007, ông có mặt từ sớm để chia vui cùng lãnh đạo và nhân dân xã Đông Phú, huyện Châu Thành. Ông bày tỏ sự cảm thông với 887 hộ dân phải từ bỏ ruộng vườn màu mỡ, phì nhiêu để nhường lại 290 ha đất chuẩn bị xây dựng các nhà máy phụ trợ và hạng mục quan trọng nhất là Nhà máy đóng tàu có vốn đầu tư 1.100 tỷ đồng chia làm hai giai đoạn. Tại đây chẳng bao lâu nữa sẽ đóng mới những con tàu từ 20.000 – 30.000 DWT và tương lai sẽ đóng các loại tàu 50.000 – 70.000 DWT. Chắc chắn bà con nông dân và con em họ sẽ đổi đời. Ông Thủ tướng tràn đầy hưng phấn khi đề cập tới VNS xây dựng dự án này không chỉ giúp Hậu Giang, mà giúp toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển. Ông chỉ đạo VNS cần nhanh chóng thành lập một trường đào tạo nghề công nghiệp tàu thủy tại khu vực này để lớp thanh niên địa phương có cơ hội trở thành những công nhân kỹ thuật giỏi tay nghề…

Sau buổi lễ lớn, những người nông dân mừng ít lo nhiều. Những nỗi lo lớn nhất là không còn đất đai canh tác, không còn nhà ở, nếu cầm một nắm tiền mà chẳng có việc làm thì chẳng mấy chốc lại tiêu tan. Còn “người khổng lồ” VNS có vẻ biết điều hơn nhiều công trình khác. Họ tiến hành san lấp, xây dựng mấy nhà làm việc, lắp dựng mấy dàn cẩu, tuyển dụng vài ba trăm công nhân kể cả ngoài miền Bắc vào và đóng vài chiếc… xà lan. Bên cái barie có một tấm pa-nô khổ đại thể hiện quy mô dự án cực kỳ hoành tráng… Thời gian lần lữa trôi qua, dân tình xung quanh vừa thở dài tiếc của, tiếc ruộng bỏ hoang, vừa bàn chuyện chẳng thấy công trình xây dựng triền tàu 30.000 DWT, chẳng thấy xây cầu tàu cỡ tàu 50.000 DWT neo đậu. Các chú công nhân hì hục làm suốt tháng chỉ nhận vài trăm ngàn tạm ứng, đánh ra quán “cắm sổ”. Chủ quán cho thiếu mãi cũng sạt vốn luôn! Nhiều người rủ nhau bỏ việc đi nơi khác kiếm kế sinh nhai. Vậy mà ông chủ đầu tư VNS vẫn thực hiện được một “cú lừa tinh thần” ngoạn mục. Ấy là vào ngày 19.3.2008 trước lúc khai mạc Festival Lúa gạo lần thứ nhất tổ chức tại thị xã Vị Thanh, và trước buổi hội thảo kêu gọi đầu tư vào Hậu Giang, VNS đã tổ chức một lễ ký kết hợp đồng tại Hội trường UBND tỉnh, có mặt nhiều lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Tỉnh ủy, UBND và nhiều chức sắc khác. Nội dung của bản hợp đồng ký kết giữa Công ty TNHH một thành viên Nhà máy đóng tàu Hậu Giang với Công ty TNHH một thành viên đầu tư và phát triển CNTT Hậu Giang là: Đóng mới 5 tàu biển loại 20.000 DWT với tổng giá trị 1.500 tỷ đồng, thời gian giao lô hàng vào cuối năm 2012. Trong thời gian đó, Nhà máy đóng tàu Hậu Giang sẽ đóng vài con tàu loại 6.800 DVVT “lấy ngắn nuôi dài”. Hợp đồng đã ký gần hai năm rưỡi nhưng nào có thấy sắt thép chuyên chở về, nào có thấy triền đá, ụ iếc như nhà máy vẽ lên. Dĩ nhiên càng không thấy bóng hình Khu công nghiệp phụ trợ với các công trình xây dựng nhà máy sản xuất container công suất 120.000 TEU/năm, nhà máy nghiền xi măng công suất 1 triệu tấn/năm, nhà máy nhiệt điện công suất 3.600 MW! Eo ơi, toàn là công trình vĩ đại mà VNS muốn dành tặng cho Hậu Giang mau đứng ngang tầm… thế giới??? Khỏi phải nói, đến giờ này lãnh đạo tỉnh Hậu Giang thất vọng về “người khổng lồ” VNS đến mức nào nhưng sự thất vọng ấy không chứa hết khổ đau cùng cực của hàng ngàn người dân Châu Thành sống dở, chết dở vì các dự án hoang đường của tập đoàn VNS.

***

Trong một bài báo, thậm chí là hàng chục bài, chẳng người viết nào có thể tả hết, chuyển tải hết thói ngông cuồng của một số người lãnh đạo Tập đoàn VNS. Họ toan tính đầu tư tới mọi nơi, mọi chỗ với cách nghĩ, cách làm cẩu thả, không nhìn trước, trông sau, thích chỗ nào là cắm chỗ đó, chà đạp lên số phận của người dân cần cù, chất phác, thấp cổ, bé miệng vì họ ỉ lại vào sự nôn nóng của không ít người lãnh đạo địa phương. Thói hư danh ngấm vào máu khiến họ mắc phải căn bệnh “Sở Cuồng” trầm trọng không phương cứu chữa. Hậu quả khôn lường tất yếu xảy đến. Hàng ngàn tỷ đồng từ vốn vay trả lãi từ 7 – 12 % một năm nằm chôn chết ở các dự án đầu voi đuôi chuột kéo dài từ địa đầu Móng Cái đến chót mũi Cà Mau. Hàng ngàn, hàng chục, hàng trăm ngàn người, đa phần là nông dân, diêm dân hết cơ hội sống trên mảnh đất họ từng chôn rau, cắt rốn vì giấc mơ cường quốc đóng tàu ám ảnh các ngài quản trị VNS.

Bởi vậy, dẫu sẽ có năm người, bảy người nào đó rồi đây bị pháp luật trừng phạt nghiêm khắc thì hậu quả căn bệnh “Sở Cuồng” mãn tính của “người khổng lồ có đôi chân nặn bằng đất sét” – VINASHIN – vẫn còn đeo bám dai dẳng mấy thế hệ mới có thể nguôi ngoai!

LTT

HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập

[*] Xem từ Bài 1 trên BVN ngày 21-7-2010.

[1] Sở Cuồng: Tên là Tiếp Dư, một người cuồng nước Sở thời Xuân thu, lấy hiệu là Sở Cuồng, ngông nghênh, lánh đời, Khổng Tử muốn gặp không thèm gặp mà bỏ đi, vừa đi vừa hát. Ở đây tác giả muốn mượn một cái tên quen thuộc trong kho điển cố phương Đông để gọi cái kẻ mà về mặt ngông cuồng một tấc đến trời thì trên đời này có lẽ hiếm người sánh được và có lẽ cũng không người nào tỉnh táo dám đặt cược niềm tin vào ba tấc lưỡi của anh ta trừ mấy vị quan đầu tỉnh và... Thủ tướng chúng ta – BVN chú.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn