Dân chủ: Nhìn từ... một cuộc họp cơ quan

http://images.tdaxp.com/tdaxp_upload/democracy_md.jpgTrần Thị Trường (Nhà văn)

"Chúng ta phải thay đổi", câu nói ấy không chỉ có từ người Mỹ với nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. Cả thế giới muốn tồn tại phải thay đổi tư duy vì cuộc sống mỗi ngày mỗi vận động. Nếu tư duy con người không thay đổi, quốc gia sẽ mãi lẹt đẹt không đuổi kịp với sự vận động chung của nhân loại văn minh, phát triển.

Bè trên, bè giữa và bè... dưới!

Dân chủ là một khái niệm văn minh, rất cần cho sinh hoạt một xã hội phát triển và hội nhập. Nhưng nhiều năm trước đây, nó có vẻ như là một khái niệm suông, xa vời. Cứ nhìn cơ quan tôi thì thấy, mọi việc do người đứng đầu cơ quan quyết định hết thảy. Bắt đầu từ cuộc họp thứ Hai đầu tuần. Ông nói hết 3/4 thời gian. Xong. Ông nhắc Chủ tịch Công đoàn nói những điều bổ sung (thực chất là kế hoạch triển khai những điều ông vừa nói). Tiếp đến Bí thư Đoàn, người "hô" ba khẩu hiệu nhỏ, một là: "Thanh niên xung kích đi đầu", hai: "Không ngại khó khăn gian khổ", ba: "Quyết hoàn thành nhiệm vụ".

Thời gian đầu, chúng tôi còn đề nghị được phát biểu, vì những điều thủ trưởng cơ quan nói có nhiều chỗ hay nhưng không hợp lý, không khả thi ở một số điểm. Nhưng sau thì tuyệt nhiên không thể, bởi ý kiến của chúng tôi luôn bị cắt vì... hết giờ.

Ngoài ra thủ trưởng còn tỏ ý không bằng lòng, ông tỏ cho chúng tôi hiểu: "Các anh chị không phải là cán bộ nòng cốt, ý kiến của các anh chị chẳng phải điều tôi quan tâm. Và dù thế nào đi nữa các anh chị cũng chỉ là thiểu số trong cơ quan. Chẳng có gì khác được, chỉ có chấp hành thôi. Chấp hành là trên hết".
Những cuộc họp cơ quan thành "diễn đàn" cho các thủ trưởng. Ảnh minh họa
Không phản đối nhưng thực ra, mọi người chỉ làm cầm chừng, không để thủ trưởng bắt bẻ về kỷ luật lao động chứ không hăng hái. Mấy đảng viên, đoàn viên hăng hái thì những gì làm ra lại chẳng có mấy giá trị nào. Cuối năm, bình bầu danh hiệu, cũng chỉ có thủ trưởng nói trước, mấy người kia nói sau rồi bỏ phiếu bình bầu.

Tuy là bỏ phiếu kín nhưng thực ra thì "hở ơi là hở", vì quanh đi quẩn lại cũng chỉ có ngần ấy người, phiếu nào của ai biết ngay. Vẫn những người không hiệu quả kia lại ở chức vụ cao, giữ những trọng trách và như thế cơ quan bao giờ cũng có ba bè.

Bè giữa lấy lòng hai bè kia mỗi nơi một ít hoặc im lặng, mặc kệ mọi chuyện. Bè dưới đáy biến những chuyện nghiêm chỉnh thành câu hài hước, có người còn viết hẳn thành bài vè nhưng cũng chỉ để đọc cho nhau nghe. Thi thoảng bài vè và những câu chỉ trích, hài hước cũng lọt đến tai bè kia nhờ vào sự đưa tin của bè giữa. Những người bè dưới càng bị bè trên "săm soi".

15 năm qua đi, cơ quan của tôi vẫn đứng dưới mức trung bình trong cộng đồng các cơ quan sản xuất những sản phẩm mang tính sáng tạo. Thương hiệu không có, nói đúng hơn, nhắc đến thương hiệu cơ quan mà mỗi cá nhân ở đó cũng cảm thấy xấu hổ, kể cả thủ trưởng.

Sản phẩm của cơ quan do ông phụ trách cũng chẳng bao giờ có mặt trong các cuộc thi, trong đời sống xã hội. Bây giờ, ông về hưu, một người khác về thay ông cũng lại giống ông, cơ quan cũng chẳng khá hơn chút nào.

Vì cán bộ dưới quyền đã quen với cung cách làm việc của thủ trưởng cũ? Hay vì thủ trưởng mới vẫn là người của cung cách làm việc cũ, không có năng lực, chỉ có lòng trung thành chung chung, những trang lý lịch hợp với quan niệm nhân sự của tổ chức?

Sở dĩ tôi nghĩ thế bởi hầu hết trong số những người có khả năng nêu ý kiến trong cuộc họp, có khả năng tạo ra những sản phẩm hữu ích, có giá trị đều là những người bị thủ trưởng và những ban bệ của thủ trưởng ghét - sợ - không ưa. Khi họ bị dồn tới cùng, chuyển đi nơi khác họ đều thành danh, được trọng dụng.

Dân chủ - bắt đầu từ chọn nhân sự một cách... dân chủ

Làm thế nào để khắc phục tình trạng đó? Làm thế nào để những người có khả năng phát huy được chính cái khả năng ấy trong đội ngũ. Điều hiển nhiên là người đứng đầu phải biết sử dụng, động viên cái khả năng đó. Lắng nghe họ không có nghĩa là thua kém họ, càng không có nghĩa là chia sẻ quyền lãnh đạo với họ.

Mà có chia sẻ thì đã sao nếu cơ quan có một hiệu quả chung to lớn, nhờ vào những ý kiến phản biện và năng lực cùng trách nhiệm đóng góp của họ? Nói thì nhẹ vậy, nhưng đây hẳn là một cuộc cách mạng thay đổi tư duy chứ chẳng đơn giản chút nào.

Trong thực tế, nhiều người ít khả năng đã chọn con đường "chạy chức" thay cho việc trau dồi kiến thức. Chạy được chức rồi, vì không có khả năng điều hành nên phải cậy đến những "miếng võ truyền thống" để giữ chức, khiến cho cơ quan trở nên trì trệ hoặc rối loạn.

Thay đổi điều đó trước hết phải thay đổi cách chọn nhân sự. Chọn nhân sự nếu không dựa vào dân chủ thì lại rơi vào cách chọn cũ. Phương thức cao nhất của dân chủ là thi tuyển. Cơ quan chủ quản của tôi cũng đã tổ chức những cuộc thi tuyển công chức và các lãnh đạo phòng ban. Nhưng chỉ là hình thức.

Người đi thi mang "phao" vào phòng thi. Ban giám khảo lại là những người tư duy cũ, trình độ thậm chí không bằng những công chức giỏi tham dự cuộc thi. Cuối cùng tất cả đều đỗ và mọi sự vẫn đâu vào đấy, vì những người giỏi tất nhiên họ không trượt, người kém lẽ ra phải trượt thì đã có giám khảo đỡ hoặc có "phao" cứu hộ.

"Chúng ta phải thay đổi", câu nói ấy không chỉ có từ người Mỹ với nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. Cả thế giới muốn tồn tại phải thay đổi tư duy vì cuộc sống mỗi ngày mỗi vận động. Nếu tư duy con người không thay đổi, quốc gia sẽ mãi lẹt đẹt không đuổi kịp với sự vận động chung của nhân loại văn minh, phát triển.
Dân chủ phải bắt đầu từ lựa chọn nhân sự một cách... dân chủ. Ảnh minh họa
Thủ trưởng của tôi cũng đã nghĩ như chúng tôi. Nhưng ông ấy không thay đổi được, bởi vì trên thực tế, sự thay đổi thật tâm đòi hỏi người ta phải nghiêm cẩn suy tư và tích cực hành động mỗi ngày. Khi suy tư nghiêm cẩn người ta sẽ thấy sự bảo thủ dẫn đến trì trệ, hành động không kịp thời dẫn đến thói thờ ơ, vô đạo đức trên diện rộng và dĩ nhiên sẽ còn một bộ phận có cái nhìn coi thường cái sự bảo thủ ấy. Thế là sự chia rẽ xẩy ra. Cuối cùng là tồn tại một tập thể ba bè bảy mối, làm việc ít hiệu quả.

Giá như cơ quan tôi áp dụng dân chủ, coi dân chủ là ưu tiên số 1 để chọn nhân sự. Không nên căn cứ vào lý lịch, chỉ căn cứ vào lòng yêu nước, chí khí phục hưng dân tộc và khả năng điều hành tập thể, bên cạnh năng lực cá nhân (điều này rất dễ nhận thấy nếu có một cơ chế thông thoáng, cởi mở.

Dân chủ cũng là chấp nhận tiếng nói khác mình, cùng tiếng nói khác ấy tìm ra một điểm chung, ngõ hầu đưa dân tộc đi đúng quy luật, tạo sức đột phá, để phát triển. Không coi tiếng nói khác mình là tiếng của kẻ không trung thành, bởi như vậy là mất đi sự hợp lực cần thiết. Dân chủ ở đây còn là lòng tin đối với người khác của kẻ mạnh.

TTT

Nguồn: Tuần Việt Nam

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn