Câu chuyện giáo dục: bịt lỗ hổng để không có Tiến sĩ rởm

Nguyễn Xuân Hãn

image Với loạt bài “Công nghệ sản xuất Tiến sĩ” , VNT đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc, bạn viết khắp trong và ngoài nước, chia sẻ với ông Nguyễn Ngọc Ân - người tự cho mình là “nạn nhân” của những trò mua bán bằng cấp “dỏm” , đồng thời cũng đặt ra vấn đề quản lý bằng cấp và sử dụng nhân tài trong bộ máy công quyền nước ta hiện nay. VNT đã có cuộc trò chuyện với Giáo sư Tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Hãn xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, là một Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, ông bình luận gì về tấm bằng Tiến sĩ trị giá 17 ngàn đô của ông Nguyễn Ngọc Ân – Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch tỉnh Phú Thọ?

Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Hãn (NXH): Thời gian để đào tạo một TS trên thế giới trung bình phải mất khoảng 3-5 năm sau đại học chính quy, lao động vất vả không kể ngày đêm, còn kinh phí trung bình ở phương Tây hiện nay đòi hỏi đầu tư khoảng 100.000 USD. Ông Nguyễn Ngoc Ân qua công luận được biết ông vừa công tác vừa làm luận án TS với số tiền là 17 ngàn USD. Theo Điều 14 Luật Giáo dục năm 2005 ông Nguyễn Ngọc Ân phải nộp báo cáo việc làm TS và hồ sơ liên quan cho Bộ GD-ĐT để xem xét và công nhận. Nếu bằng TS của ông Ân là thật, đề nghị ông sớm được trọng dụng, còn nếu bằng TS giả phải thu hồi và chịu kỷ luật theo pháp luật.

PV: Ở Việt Nam mình có một nghịch lý, song lại rất phổ biến, đó là việc “bổ nhiệm chức vụ rồi hợp thức hóa sau”. Nghĩa là một người nào đó được tổ chức “cơ cấu” vào một chức vụ dù anh ta chưa có bằng cấp thích hợp, sau đó cơ quan sẽ tạo điều kiện để anh ta đi lấy “bằng cấp hợp thức hóa” cho vị trí của mình… Quy trình ngược này phải chăng là kẽ hở để cho ra đời nhiều Tiến sĩ giấy, nhiều nhà khoa học hữu danh vô thực?

NXH: Nghịch lý này có nhiều nguyên nhân, và sinh ra nhiều hệ lụy

Nguyên tắc lựa chọn và bổ nhiệm cán bộ của ta là “quy hoạch lại, rồi phân công”. TS Hà Nghiệp, từng đúc kết như vậy. Việc “quy hoạch” chúng ta có thể tạm hiểu là người cùng ekip, nó có hiệu quả trong thời chiến, song vào giai đoạn xây dựng, nguyên tắc này vẫn được duy trì nên sinh ra sự bất cập và tiêu cực: việc làm vừa ý bên trên để vào diện quy hoạch được xem trọng hơn, việc thực thi nhiệm vụ được giao phó do thực tế cuộc sống đặt ra, hay yêu cầu và nguyện vọng của người dân. Xin dẫn một ví dụ, đầu tư của Nhà nước và dân cho giáo dục đào tạo ngày càng tăng nhưng chất lượng giáo dục ngày càng giảm sút, càng đổi mới giáo dục càng rối và lệ thuộc vào bên ngoài (sao chép chương trình giáo dục của Thái Lan trước đây và nhập khẩu chương trình, mô hình đại học của nước ngoài hiện nay là các ví dụ ai cũng biết) và các ý kiến của người dân bị bỏ qua. “Theo tính toán chuyên gia của Bộ GD-ĐT, cách đây 20 năm - trung bình có 300 bài viết/tháng (không kể tin về giáo dục trên phương tiện thông tin đại chúng), thì ngày nay có 1000 bài/tháng, mổ xẻ đến nơi đến chốn” về những bất cập trong quản lý điều hành GD-ĐT, nhưng người có trách nhiệm vẫn không thấy rõ vấn đề? (Vietnamnet ngày 8/02/2010). Hơn 20 năm qua hàng chục vạn bài báo về giáo dục bị rơi vào quên lãng, trong khi ở mọi nơi và mọi lúc ta luôn nghe câu nói “giáo dục của ta là nền giáo dục của dân, do dân và vì dân”.

Chúng ta mải mê đặt ra nhiều tiêu chuẩn “quy hoạch” cán bộ tin dùng mà xem nhẹ yêu cầu thực tiễn và người tài năng nếu không được vào diện quy hoạch. Nhìn ra thế giới, câu nói “mèo trắng mèo đen không quan trọng miễn là bắt được chuột” trong lựa chọn cán bộ được coi là triết lý đổi mới, và mang lại hiệu quả thật.

Việc chuẩn hóa cán bộ chủ chốt của Hà Nội phải có bằng TS là một ví dụ điển hình khác về sự nhầm lẫn trong nhận thưc về công tác đào tạo. Người có bằng TS ở nhiều nước được người ta gọi và tôn vinh là bác học, nghề nghiệp chính là công việc sáng tạo - làm ra tri thức mới, nó khác xa với những người làm quan, hay nói đúng hơn là các nhà quản lý các cấp. Hiện nay trên thế giới, tôi xin khẳng định không có nước nào có mục tiêu đào tạo Tiến sỹ để làm quan! Ở nước ta theo nghiên cứu 70 % số người có bằng TS chuyển sang làm quản lý, do thiếu thời gian và làm nghiên cứu vất vả, nên sau đó là bỏ khoa học. Trong văn hóa Á Đông về hiện tượng này nhà Văn Lỗ Tấn đã ví tấm bằng như “hòn gạch gõ vào chốn quan trường, gõ xong, cửa mở rồi bằng vứt đi”.

Sau chiến tranh, rồi tiếp đến bao cấp, cả xã hội bị hành chính hóa, quan liêu nở rộ. Về lương chỉ có các bậc lương hành chính chứ chưa có các bậc lương cho những người làm chuyên môn. Một người có bằng đại học, trở thành chuyên viên cao cấp được xếp vào thang bậc lương GS. Lương bình quân của lãnh đạo Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước ( SCIC) khoảng 80 triệu đồng / tháng (4500 USD/tháng ), bằng lương cả năm của một GS ở các trường đại học. Ngược lại, bên Trung Quốc lương của quan chức Nhà nước cao nhất Trung Quốc[1] khoảng 500 USD/tháng, nhưng lương cho GS lại từ (1000 -2000) USD/tháng trở lên. Sự so sánh như vậy có thể là khâp khiễng, nhưng trên danh nghĩa về góc độ nào đó trí thức ở Trung Quốc đang được đánh giá cao hơn trí thức ở nước ta.

PV: Thưa ông, để ngăn chặn những loại bằng cấp đó, xã hội có phương thức nào giúp kiểm chứng bằng cấp là thật hay “đểu” không? Vì trong trường hợp của ông Ân, một quan chức cấp Tỉnh ủy tỉnh Phú Thọ đã khẳng định: Ông Ân trình bằng là bằng thật?

NXH: Theo tiêu chuẩn quốc tế một luận án TS đạt chuẩn, phải có ít nhất là hai công trình đăng ở tạp chí chuyên ngành được quốc tế thừa nhận. Hiện nay tiêu chuẩn này đã được thiết lập cho khoảng 55 ngành khoa học khác nhau, bao gồm các ngành tự nhiên, xã hội kể cả lĩnh vực tôn giáo.

Một luận án mà không có công trình được đăng, thì văn bằng TS không đạt chuẩn. Bên cạnh những TS thật mà các nước bạn bè XHCN đào tạo giúp ta, có tồn tại một số TS “hữu nghị”, có bằng TS thật, nhưng luận án TS không có bài báo được công bố, hay các bài ở các tạp chí không đạt chuẩn mực học thuật quốc tế. Nói một cách hình ảnh, một nhà văn mà không có tác phẩm được công nhận, thì không được gọi là nhà văn, hay nhà văn “rởm”.

Việc xác nhận lại văn bằng TS thật giả của ông Nguyễn Ngọc Ân và các bằng của người khác sẽ diễn ra nhanh chóng. Ông Ân phải báo các việc làm TS và nộp cho Bộ GD&ĐT bằng cấp, danh sách công trình nghiên cứu, các giấy tờ liên quan đến quá trình đào tạo. Việc này không quá khó khăn. Nếu cần có thể lập một hội đồng các nhà khoa học để kiểm chứng, tuy nhiên theo tôi cũng không cần thiết. Nếu bằng TS của ông Ân là bằng thật, thì ông phải được trọng dụng, còn nếu bằng TS của ông là bằng giả thì chúng ta thu hồi và đề nghị Nhà nước nên chấm dứt việc đào tạo như thế này.

PV: Trở lại với nghịch lý “Hợp thức hóa bằng cấp” trong bổ nhiệm chức vụ, Bộ GD&ĐT đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020 sẽ đào tạo xong 20000 Tiến sĩ với khoản kinh phí chừng 14.000 tỷ đồng. Điều này đã không nhận được sự đồng thuận từ phía xã hội. Lý do có thể được hiểu là người dân thực sự lo ngại “tiền công quỹ bị coi như rác” khi bỏ ra đào tạo một Tiến sĩ cỡ như ông Ân… Còn ông, ông nghĩ sao, thưa ông?

NXH: Đề nghị hoãn đề án đào tạo 20 000 TS vì nó chưa hội tụ đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn.

Đề án đào tạo 20000 TS là việc cụ thể hóa Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về “Đổi mới cơ bản giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020” . Theo Điều 87 của Luật GD năm 1998, hay Điều 100 của Luật GD năm 2005, thì vấn đề đổi mới giáo dục đại học phải có ý kiến của Quốc hội phê chuẩn, song trên thực tế việc này chưa diễn ra. Không những thế nội dung trong Đề án đổi mới giáo dục đại học, xin lưu ý, còn không ít điều đi ngược lại tinh thần của Điều 36 Hiến pháp năm 2002… Việc mở ồ ạt các trường ĐH &CĐ (dự kiến đến 2020 sẽ có 900 trường ĐH &CĐ với kinh phí 20 tỷ USD ra đời vào năm 2005, nay còn 600 trường ĐH &CĐ, thực tế nay đã có khoảng 450 trường ĐH &CĐ) có nguồn gốc từ Nghị quyết này, mà Quốc hội kỳ họp vừa qua đặt vấn đề phải chấn chỉnh, chẳng lẽ không phải là bài học cho chúng ta rút kinh nghiệm? .

Thực tế, trong 65 năm qua, kể từ khi nước nhà giành được độc lập, cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của các nước bè bạn và nỗ lực của các cơ sở đào tạo trong nước đến nay ta mới có khoảng 15.000 TS (trong đó có khoảng 5.000 TS từ nước ngoài về), vậy trong vòng 10 năm nữa làm sao có 2 vạn TS. Sinh thời nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có thư gửi cho những người có trách nhiệm (10/4/2001), cùng với bài báo nói về Trung tâm viết thuê luận án TS ở nước ta ( Báo Thanh niên 9/4/2001) Phải chăng ta muốn có 2 vạn bằng TS như kiểu ông Ân?

Theo số liệu nghiên cứu hàng năm trên thế giới có khoảng 80 vạn bài báo khoa học được ghi nhận, và 100 nghìn phát minh sáng chế được cấp bằng. Về dân số Việt Nam xếp hàng thứ 13, nhưng số lượng công bố khoa học của nước ta khoảng 700 bài (khoảng 1/1000 ) và số lượng bằng phát minh sáng chế còn đếm trên đầu ngón tay. Với số lượng sản phẩm khoa học như vậy, nếu ta có kế hoạch đạo đào tạo khoảng 200 TS/năm là khả thi, còn đào tạo với số lượng nhiều hơn, sẽ có TS không đạt chuẩn, chưa nói là TS RỞM.

Trước khi lo đào tạo ồ ạt TS, xin hãy biết trọng dụng những TS thật đã có, hiện nay TS bỏ chuyên môn do không được trọng dụng không phải là hiếm!

PV: Thưa ông là người tâm huyết với giáo dục hẳn ông sẽ lo ngại về các chương trình “liên kết” tại Việt Nam, theo ông cần phải làm gì để bảo vệ “người tiêu dùng trong giáo dục”?

NXH: Có hai việc phải làm ngay, thay đổi nguyên tắc lựa chọn và sử dụng người tài, thay đổi cách quản lý người có bằng TS theo tiêu chuẩn quốc tế

Thứ nhất ta đang có đợt vận động học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh, tại sao việc coi trọng trí thức và sử dụng nhân tài của Bác ta chỉ nói chứ không thấy vận dụng? Trong bài “Tìm người tài đức” ngày 20/11/1946, Bác viết: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài đức. Nghe vì Chính phủ nghe không đến, thấy không gấp đến nổi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận”. Chương trình là cốt lõi của nền học, SGK là tài liệu mang tính pháp lý trong dạy và học, nhưng gần 30 năm nay đã tốn hàng tỷ USD, nhưng vấn đề này vẫn không giải quyết được, đang là thách thức của dân tộc. Chương trình chuẩn chính thức của Nhà nước từ phổ thông đến đại học đến nay vẫn chưa hề có, nghịch lý bội thực sách ở bậc phổ thông, đói sách học chay ở bậc ĐH chưa biết bao giờ mới kết thúc ? Giải pháp khoa học giải quyết dứt điểm vấn đề này cho giáo dục với kinh phí khoảng 100 tỷ đồng đã được tất cả các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, song chỉ có người có trách nhiệm là không biết ?

Người có bằng TS ở nước ta được hưởng thụ cả đời, còn các nước tiên tiến tấm bằng TS có giá trị 2 năm. Người có bằng TS, năm nào cũng đòi hỏi có công bố khoa học, nếu sau 2 năm anh không có công trình khoa học nào được công bố, tấm bằng TS của anh không bị thu hồi, nhưng không còn giá tri với giới học thuật! .

Thu Hà (Thực hiện)

Văn nghệ trẻ, Số 27(713), CHỦ NHẬT, ra ngày 4-7-2010

Nguồn:Tuldvnhloc Blog

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn