Đường sắt cao tốc và những dấu mốc nghị trường

Vân Anh - Ảnh: Lê Anh Dũng

BVN muốn nhắc rằng có những người như ông Trần Đình Đàn Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã từng nói trước khi Quốc hội bấm nút: Lá phiếu thăm dò thuận lợi và Quốc hội thế là thông qua. Kết quả thì thế nào nhỉ thưa ông? Có vẻ như ông này được cơ cấu vào đây làm một tay cò mồi cho ông Thủ tướng thì phải, cái gì cũng nói trước nhưng mà nói theo lệnh, để gợi ý sẵn cho các vị đại biểu. Còn nhớ trong kỳ họp bàn về dự án bauxite Tây Nguyên, ông ta cũng nói trước một câu đại loại thế. Nếu Quốc hội có thừa lương để dành chỗ cho những con người làm cò mồi kiểu này thì xin dành khoản lương ấy cho mấy cái máy phát, mỗi lần họp chúng cứ phát trước mấy lời của ông TT cho Quốc hội thấu hiểu, nghe sẽ rành rọt hơn và bảo dưỡng cũng ít tốn kém hơn. Trong thời đại máy móc cải tiến từng ngày không hiểu sao Quốc hội không nghĩ ra cách dùng công nghê tin học thay thế sớm những người như ông Đàn, sẽ giảm được một khối lượng biên chế mà nhà nước ta đang cần tinh giảm.

Bauxite Việt Nam

Điểm lại những dấu mốc nghị trường về dự án đường sắt cao tốc, từ những phiên thảo luận tổ nóng như thời tiết Hà Nội bên ngoài, đến không khí phân rẽ rõ rệt ở Hội trường...

Ngày 20/5, ngay sau khi khai mạc kỳ họp, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Trong báo cáo thẩm tra sau đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận định cần xem xét, quyết định một cách thận trọng trong quan hệ giữa lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội, cảnh báo dự án sẽ làm tăng gánh nặng nợ nần, đồng thời đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cụ thể và chi tiết hơn.

clip_image002

ĐBQH nghiên cứu tài liệu lần cuối trước khi bấm nút biểu quyết về dự án đường sắt cao tốc

Chiều 21/5, các đại biểu thảo luận ở tổ. Với lo lắng về gánh nặng nợ nần để lại cho con cháu, nhiều đại biểu đề xuất lùi siêu dự án sang cho các khóa sau quyết định, hoặc chỉ đồng ý xây thí điểm một tuyến, TP HCM - Nha Trang hay Hà Nội - Vinh rồi rút kinh nghiệm.

Buổi thảo luận tổ này diễn ra nóng bỏng không kém thời tiết Hà Nội bên ngoài. Nhiều đại biểu Quốc hội nói chưa đủ thông tin để quyết định về đại dự án.

Trao đổi với báo giới  bên hành lang Quốc hội sáng 25/5, Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng giải thích làm đường sắt cao tốc (ĐSCT) vì muốn đi ngay vào hiện đại "Có thể ban đầu tốn kém, nhưng giải quyết tầm nhìn cho mai sau".

Thứ bảy, 5/6, Chính phủ gửi báo cáo giải trình bổ sung đến Quốc hội. Chính phủ vẫn kiên trì với phương án vừa nâng cấp đường sắt hiện tại, vừa xây mới đường cao tốc 300 km/giờ chỉ chở khách. Các phương án về thời điểm khởi công (2014), vốn, công nghệ, giá vé… giữ nguyên.

3 ngày sau (8/6), Quốc hội phân rẽ rõ rệt trong phiên thảo luận sáng. ĐB Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) tuyên bố: "Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc". ĐB tỉnh Đắk Nông Lương Phan Cừ thì ví "miền Trung có những bãi biển xinh đẹp, như những nàng tiên đang ngủ. Có đường sắt cao tốc, giao thông thuận tiện, các nàng tiên sẽ được đánh thức".

Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa - Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) liền nói: "Tôi rất hồi hộp chờ xem câu đầu tiên nàng tiên nói khi mở mắt là gì. Có lẽ nàng sẽ hỏi "anh ơi, tiền đâu?". Chỉ số IQ của tôi hơi thấp nên tôi chắc chắn không tán thành".

clip_image004

Được đưa ra trình QH ngay hôm khai mạc kỳ họp và bị "bác" chỉ ít phút trước khi bế mạc, dự án đường sắt cao tốc sẽ được Chính phủ tiếp tục chuẩn bị.

Chiều cùng ngày, những tranh luận trái chiều mạnh mẽ lại tiếp tục. Luồng ý kiến phản đối và thận trọng vẫn xoáy vào hiệu quả kinh tế, đặc biệt nguy cơ nợ nần và hệ lụy của vốn vay ODA. Có đại biểu còn tiếc là phiên thảo luận không được truyền hình trực tiếp để nhân dân thấy trách nhiệm ĐBQH trước vấn đề lớn của đất nước được thể hiện như thế nào.

Ngày 10/6, một số ĐBQH "tranh thủ" phiên chất vấn Bộ trưởng Giao thông - Vận tải Hồ Nghĩa Dũng để nhờ giải đáp thắc mắc quanh dự án xây đường sắt cao tốc. ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) và Ngô Văn Minh gợi ý "mời nhà đầu tư vào làm kiểu BOT, miễn thuế 10 năm xem có ai làm không?". Trả lời, Bộ trưởng cho hay Bộ GTVT từng kêu gọi BOT cho đường sắt cao tốc song chẳng ai mặn mà vì "không khả thi".

Cách đây 1 tuần, ngày 10/6, trả lời chất vấn trước QH, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nói: "Chúng ta không thể không làm đường sắt cao tốc". "Không lo" chuyện "tiền đâu", ông Sinh Hùng cho biết "thu nhập bình quân đầu người hiện nay 1.200 USD, nhưng với tốc độ tăng trưởng kinh tế tương lai thì đến 2020 sẽ là 3.000 USD và sẽ đạt 20.000 năm 2050".

Đầu tuần này, ngày 14/6, Quốc hội phát phiếu thăm dò đến các đại biểu. Phiếu này đưa ra hai lựa chọn. Hoặc tán thành thông qua chủ trương và lộ trình như tờ dự kiến của Chính phủ, hoặc chưa thông qua Nghị quyết lần này mà giao Chính phủ tiếp tục nghiên cứu thông qua vào kỳ họp sau. Đại biểu nào đồng ý thông qua Nghị quyết cũng có thể chọn hai phương án. Thứ nhất, thông qua y hệt dự kiến của Chính phủ. Hoặc, chỉ tán thành chủ trương, nhưng lùi thời gian khởi công xây dựng để chọn lộ trình phù hợp.

Kết quả: Chỉ có 148/474 người tán thành hoàn toàn với đề xuất của Chính phủ. Có 271/474 đại biểu (57,17%) đồng ý ra nghị quyết về chủ trương xây dựng dự án này, 192 vị không đồng ý, 3 ý kiến khác, còn lại là phiếu trắng.

Và hôm nay, ngay trước khi kỳ họp thứ 7 bế mạc, một cuộc biểu quyết "nghẹt thở" đã diễn ra. Với 37,53% tán thành, 42,19% nói "không", cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước đã thống nhất lùi dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, giao Chính phủ tiếp tục chuẩn bị dự án kỹ hơn nhưng không nói cụ thể đến kỳ họp nào sẽ lại trình QH.

VA


Nguồn: Vietnamnet

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn