Mua vũ khí để trấn an dân?

Ngọc Thu tổng hợp

Ôi, dân Việt không ngu đâu các bác ơi, họ khôn chán. Chỉ nội một cuộc triển lãm bản đồ cổ về biển Đông của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu trong đó xác nhận chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa trong quá khứ lịch sử đích thực thuộc về ai mà cũng không dám cho tổ chức thì kẻ cầm vận mệnh đất nước mềm cứng thế nào ai mà chẳng rõ. Trước sau chỉ có một cái loa bà Phương Nga là đắc sách nhất trong ý nghĩ của họ thôi. Bà ấy “đánh giặc mồm” xong là họ nhẹ hẳn lương tâm, không cần lo nghĩ gì nữa.

clip_image002

Cuộc triển lãm bản đồ cổ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu bị dẹp bỏ nhường chỗ cho cuộc thi... “Gặp gỡ Thượng Hải” ở Thư viện KHTH TP HCM. Than ôi!. Ảnh: ĐTB.

clip_image004

Đây, cuộc thi “Gặp gỡ Thượng Hải” được quảng cáo ở Thư viện KHTH TP HCM đây. Ảnh: ĐTB.

Lẽ ra những bản đồ vô giá như của cụ Nguyễn Đình Đầu lại thiết thân với chủ quyền lãnh thổ nước ta không phải chỉ bây giờ mà trong tương lai hàng trăm năm giữa ta và TQ, trong khi TQ đang lùng sục rất dữ, thì các vị ở trong bộ máy phải lo cử ngay chuyên gia tìm mọi cách sao chụp, giữ gìn như con ngươi của mắt mình chứ. Họ có biết cái gì đâu và trong đầu óc của họ hình như ngoài hình ảnh con tàu cao tốc chở 56 tỷ đô la Mỹ chạy vun vút ra thì có còn gì nữa đâu. Tàu ngầm kilo và máy bay SU 30-MK2 kia nếu nguy hại cho bọn Tàu đang vùng vẫy giữa biển Đông thật thì chúng đã chỉ tay đe nẹt các vị trong những lần được mời sang tiếp kiến rồi. Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh chẳng đã cho BVN biết chỉ có thăm thú đất nước Hoa Hạ thôi mà đi đến những đâu ông Đại tướng nhà ta còn phải “báo cáo” kẻ cấp bậc dưới mình nhưng là người của của thiên triều kia mà. Cụ Vĩnh nói cụ nghe tin đưa như thế mà chỉ muốn chui xuống đất. Vậy tàu ngầm thì cũng quý đấy nhưng quý hơn là đừng để lòng tin của dân nguội lạnh.

Bauxite Việt Nam

Trong một bài viết có tựa đề “Những gì nằm bên dưới Biển Đông”, đăng trên báo Asia Sentinel, ngày 22 tháng 6, ông Greenwood cho biết:

“Việt Nam mua sáu chiếc tàu ngầm loại Kilo và máy bay chiến đấu của Nga hồi cuối năm 2009 đã được khá nhiều người cho rằng nhằm mục đích cho thấy sức mạnh chống lại Trung Quốc và thắt mối quan hệ với Moscow.
Một quan điểm khác là các lãnh đạo Hà Nội, bị cáo buộc hy sinh lợi ích kinh tế lâu dài của Việt Nam bằng cách mở ra các ngành kinh tế trọng điểm vì lợi ích thương mại của Trung Quốc, có thể tìm cách để bảo vệ vị trí riêng của mình đằng sau chiếc mặt nạ là an ninh quốc gia . Các thỏa thuận vũ khí trùng với 65 năm kỷ niệm lực lượng vũ trang Việt Nam và trước Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 11 năm 2011, có thể phục vụ cho mục đích xoa dịu quân sự và tình cảm dân chúng hơn là với mục đích thực tế ngăn chặn tham vọng “bá quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông”.

Trong một bài báo khác đăng trên tờ Bangkok Post, hôm 20 tháng 6, ông Greenwood đã nói rằng, bất chấp thực tế kinh tế và quân sự, Việt Nam sẵn sàng gia tăng chi tiêu quốc phòng một năm trước Đại hội Đảng. Đây là cái giá rất thấp mà lãnh đạo Việt Nam bỏ ra với mục đích làm cho người dân thấy rằng lãnh đạo đứng lên chống lại Bắc Kinh. Ông Greenwood cũng cho biết thêm, thời gian Việt Nam thực hiện các thỏa thuận mua bán vũ khí của Nga nhằm mục đích phản ánh sự quan tâm chính trị của người dân trong nước hơn là chống lại bất kỳ mối đe dọa quân sự nào đến từ bên ngoài.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn đài Á châu Tự do, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Giáo sư giảng dạy về chính trị học và bang giao quốc tế tại đại học George Mason – Hoa Kỳ nói rằng, muốn hiện đại hóa quân đội, Việt Nam cần xác định kẻ thù.

GS Hùng cho biết: “Vấn đề đặt ra là muốn hiện đại hóa quân đội thì phải xác định kẻ thù của mình là gì. Nếu là kẻ thù thì đừng mua vũ khí của kẻ thù hay của những quốc gia có thể bán vũ khí cho kẻ thù, những quốc gia có thể không bán cho mình vì thân thiện với kẻ thù của mình. Phải biết rõ như vậy. Nói tóm lại muốn làm gì thì cũng phải xác định rõ kẻ thù của mình là ai (?). Thành ra bây giờ Việt Nam phải quyết định kẻ thù của mình là ai. Sau khi đã quyết định thì mới kiếm được khí giới, loại chiến tranh nào mà mình phải đối phó để mình có thể mua vũ khí phù hợp”.

Vậy lãnh đạo Việt Nam đã xác định được kẻ thù chưa? Và Việt Nam mua vũ khí có phải là để chống kẻ thù, chống lại thế lực bành trướng xâm phạm chủ quyền của ta hay không, hay là mua vũ khí để trấn an người dân như báo chí nước ngoài lên tiếng? Hoặc chống lại “các thế lực thù địch”, mà giới lãnh đạo chính quyền cũng như quân đội vẫn thường nhấn mạnh mục tiêu quan trọng, đó là “làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta”?

Câu trả lời xin nhường cho giới lãnh đạo.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn