Việt – Mỹ: Nhìn xa trông rộng

clip_image001

TS Đinh Hoàng Thắng

Tại sao quan hệ Việt – Mỹ quan trọng là vậy, nhìn từ cả hai phía, mà phải mất những 20 năm mới bình thường hóa và sau 15 năm bình thường hóa có lúc vẫn bị trật khỏi vòng đua chính của nó?

Vâng, xin thưa nếu Việt Nam chỉ là con tốt thụ động trên bàn cờ, chứ không phải là “con tốt biết đi” như ví von của cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch thì liệu vị thế địa-chính trị đó còn được như ngày nay không? Và không ai loại trừ khả năng một nước nhỏ có thể “quyền biến”, làm cho các nước lớn “quân bình lực lượng” với nhau để mình tồn tại; và trường hợp may mắn hơn, còn phát triển?

Bao máu xương và hy vọng của những lớp người ngã xuống hôm qua trong cuộc chiến, từ tất cả mọi phía, đòi hỏi thăng hoa mối quan hệ và hóa giải các mâu thuẫn. Ở đây và ngay bây giờ!

Đinh Hoàng Thắng

clip_image001[4]
Hai ông Nguyễn Tấn Dũng và George W.Bush tại tòa bạch ốc

35 năm kết thúc cuộc chiến và 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao là cột mốc mang tính ước lệ.

Tại cột mốc này, người lạc quan cho rằng quan hệ từ nay sẽ tiến triển nhanh, vì nó không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế-thương mại mà còn mở rộng sang cả chính trị-an ninh-quốc phòng. Một khuôn khổ rộng lớn hơn cũng hé lộ khi mới đây Việt Nam đã có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh Washington về an ninh hạt nhân và đã nhận được lời mời tham dự Hội nghị G20, với cương vị Chủ tịch ASEAN.

Barack Obama thăm Việt Nam?

Việc này có thể xảy ra nhân dịp cấp cao ASEAN cuối năm nay tại Hà Nội.

Một thượng đỉnh Việt – Mỹ không hoàn toàn loại trừ, nếu Tổng thống Obama sang dự Hội nghị ASEAN 17. Những ai thiện chí với quan hệ Việt – Mỹ có quyền hy vọng vào một sự đột phá, hay chí ít, một sự “nâng cấp” nào đó của mối bang giao mang ý nghĩa chuyển đổi trong một thế giới vận động không ngơi nghỉ và đầy hiểm nguy.

Người bi quan thì cho rằng mọi chuyện không đơn giản.

Ông Obama hiện quá bận việc trong nước và khu vực khác (truyền thống của Đảng Dân chủ ưu tiên châu Âu hơn). Các chuyển động ở châu Á lại chưa thật dứt khoát và trong suốt.

Mọi sự đón đợi về những “can dự” mạnh mẽ hơn của Mỹ vào khu vực vẫn chưa thực tế, dù bà Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố Hoa Kỳ không chỉ “trở lại châu Á” mà còn “ở lại”.

Có lẽ không nên quá hy vọng quan hệ Việt – Mỹ sẽ nổi trội hơn trên nền tảng Mỹ với ASEAN và Mỹ quay lại châu Á. Đấy là chưa nói tới những “khúc nhôi” khác của mối bang giao, từng được mô tả là một lộ trình “vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh”.

Tại sao quan hệ Việt – Mỹ quan trọng là vậy, nhìn từ cả hai phía, mà phải mất những 20 năm mới bình thường hóa và sau 15 năm bình thường hóa có lúc vẫn bị trật khỏi vòng đua chính của nó?

Tại sao quan hệ Việt – Mỹ quan trọng là vậy, nhìn từ cả hai phía, mà phải mất những 20 năm mới bình thường hóa và sau 15 năm bình thường hóa có lúc vẫn bị trật khỏi vòng đua chính của nó?

Cựu Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm giải thích với người viết bài này rằng, trong hai thập kỷ đi đến bình thường hóa, cả hai phía Việt Mỹ đã có những nỗ lực lớn. Tuy nhiên, do một số nhân tố chủ quan và khách quan nên đã có lúc quan hệ song phương bị lỡ nhịp. Từ nay, cần chủ động hơn trong việc xây dựng lòng tin giữa hai phía để đưa quan hệ đi vào chiều sâu.

Một số người được phỏng vấn còn nêu vấn đề dân chủ và nhân quyền như là những trở lực đáng ngại.

Nhưng những ai từng biết đến chủ nghĩa thực tiễn chính trị trong truyền thống Hoa Kỳ thì thấy lập luận này khó đứng vững. Mỹ đã từng đồng minh với Liên Xô để chống phát xít. Mỹ đã từng bắt tay với Trung Quốc vào thời điểm ít ai ngờ nhất trong cuộc kháng chiến của Việt Nam. Và ngay giờ đây Mỹ vẫn “OK” với nhiều nước mà thành tích nhân quyền dường như còn đứng sau Việt Nam.

Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, Đại học George Mason (Mỹ), thừa nhận vị thế địa- chính trị của Việt Nam, nhưng Giáo sư cho rằng Việt Nam chỉ quan trọng vì “một lý do nào đó”. Trước đây, Mỹ “ngăn đê” Việt Nam là để chống ảnh hưởng của Liên Xô/Trung Quốc, còn ngày nay Mỹ cần Việt Nam là để vây chặn Trung Quốc.

Vâng, xin thưa nếu Việt Nam chỉ là con tốt thụ động trên bàn cờ, chứ không phải là “con tốt biết đi” như ví von của cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch thì liệu vị thế địa-chính trị đó còn được như ngày nay không? Và không ai loại trừ khả năng một nước nhỏ có thể “quyền biến”, làm cho các nước lớn “quân bình lực lượng” với nhau để mình tồn tại; và trường hợp may mắn hơn, còn phát triển?

Cái bóng Trung Quốc có quá lớn?

Việt Nam và Hoa Kỳ không nên để cơ hội tuột khỏi tay trước những biến thiên gia tốc của “thế giới hậu Mỹ”.

Phải trân trọng quá khứ! Những nỗ lực đàm phán hòa bình nếu thành tựu sớm hơn thì biết bao sinh mạng thanh niên Mỹ và thanh niên Việt đã được cứu sống! Bình thường hóa Việt-Mỹ giả sử diễn ra vào cuối những năm 1970 thì liệu Việt Nam có tránh được hai cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và phía Tây Nam không?

Nhưng lịch sử thường lại không chấp nhận các giả định. Quan hệ Việt – Mỹ, vì vậy, cần được phóng chiếu rộng hơn và xa hơn; mặt khác, những tiến bộ cụ thể trước mắt và các cập nhật chính sách thường kỳ là vô cùng quan trọng. Hy vọng các phiên đối thoại Việt – Mỹ hàng năm về các vấn đề chính trị, an ninh và quốc phòng sẽ trám được những lỗ hổng còn tồn tại.

Đặt mối quan hệ song phương từng qua sóng gió này vào bối cảnh Hoa Kỳ vừa đưa ra những phác thảo mới về tầm nhìn chiến lược đối với châu Á thì sự hữu lý và niềm hy vọng sẽ gia tăng.

Đặt mối quan hệ song phương từng qua sóng gió này vào bối cảnh Hoa Kỳ vừa đưa ra những phác thảo mới về tầm nhìn chiến lược đối với châu Á thì sự hữu lý và niềm hy vọng sẽ gia tăng.

Ngoại trưởng Nguyễn Dy Niên trước đây cũng từng xác tín: “Mối liên hệ đặc biệt giữa Mỹ với các quốc gia Á châu – Thái Bình Dương, nói chung, và với Đông Nam Á nói riêng, đã có từ nhiều thế kỷ trước. Sự phát triển kỳ diệu của những tiểu long Đông Á không thể nào xẩy ra nếu không có sự hợp tác của Mỹ”.

Khi Tổng thống Mỹ tiếp Thủ tướng Việt Nam tại Nhà Trắng, tuyên bố ủng hộ “chủ quyền quốc gia, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam” thì có nghĩa là lịch sử đã sang trang, những phối trí về an ninh và kinh tế của khu vực và toàn cầu đã thay đổi. Khi cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ đồng ý thiết lập “cơ chế đối thoại mới về chính trị-quốc phòng và chính sách” thì sự cam kết chưa có tiền lệ này đã dẫn đến những phối hợp hành động trên thực tế.

Cái bóng Trung Quốc trong quan hệ với Mỹ đã bị Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và nhiều nước nhỏ khác vượt qua. Những nước này đều hiểu rằng “ngoài trời cao còn có trời cao hơn”, nói theo nhà văn Kim Dung.

Hy vọng mối bang giao Việt – Mỹ sẽ diễn tiến theo hướng Thượng nghị sĩ Jim Webb tuyên bố mới đây với BBC “Chúng ta không tìm cách tạo xung đột với Trung Quốc mà tìm kiếm sự cân bằng và Hoa Kỳ giúp đem lại sự cân bằng đó tại khu vực”.

Tới đây chúng ta phải đối mặt với quan hệ Trung – Mỹ vốn đầy mâu thuẫn trong một giai đoạn gay cấn. Cả hai nước đều có những sinh hoạt chính trị quan trọng mà anh nào cũng muốn chứng minh với dư luận nội bộ là mình có thể “cứng” với anh kia.

Một thái độ tỉnh táo trong bối cảnh đó là cần thiết. Nhưng sau khi cân nhắc cần lấy quyết định, nhất là khi Trung Quốc đã bắt đầu tuần tra thường xuyên trong khu vực biển quần đảo Trường Sa và đang chiếm đóng Hoàng Sa của Việt Nam.

Biết là “dục tốc bất đạt”, nhưng dịp này nên nhắc lại một câu hỏi có từ lâu: “Quan hệ Việt – Mỹ duyên hay là nợ?” Bao máu xương và hy vọng của những lớp người ngã xuống hôm qua trong cuộc chiến, từ tất cả mọi phía, đòi hỏi thăng hoa mối quan hệ và hóa giải các mâu thuẫn.

Trước hết là ở đây và ngay bây giờ!

Tác giả là Tiến sỹ chính trị học, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, hiện sống ở Hà Nội. Bài viết riêng cho BBCVietnamese.com

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2010/04/100429_vietnam_us_relations.shtml

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn