Tiết lộ động trời chuyện “chạy” dự án ở Cao Bằng

Nhóm PV điều tra VietNamNet

“Những vấn đề bức xúc trong khai thác và cấp phép khoáng sản ở huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) đã được PV VietNamNet trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình - bà Mã Thị Ình. Bà Ình tiết lộ, có chuyện "chạy" dự án trong việc xin cấp phép khai thác mỏ ở huyện Nguyên Bình” - VietNamNet.

Nói gì nữa, “chạy” là cái chắc và bất kỳ việc nào cũng chạy, bất kỳ chức nào cũng chạy. Một cuộc “tít mù nó chạy vòng quanh” đến chóng mặt trong cái thời đại ta đang chứng sống. Một cái tên NVP chẳng nghĩa lý gì trong số những kẻ vô danh tiểu tốt nhưng lại rất quan trọng vì đó là cấp trung gian giữa trung ương với huyện, anh trên không nhả ra cho những kẻ này làm bậy thì coi chừng, đến Đại hội Đ, sẽ mất đi không phải 1 mà một số không ít phiếu bầu. Sự đời rắc rối là thế đấy. Cho nên những anh không hề có chút chữ nghĩa và hiểu biết ấy cứ tha hồ hét ra lửa với cấp dưới và phá hoại mọi thứ của dân để nhét cho đẫy túi. Đây chính là những kẻ đang hết sức “mót” tiền, còn mạng sống và đời sống yên lành của dân thì đều coi như cỏ rác.

Nhân ngày sinh nhật 120 năm Hồ Chí Minh, BVN tâm thành lần lượt kính chuyển lên hương hồn Ông loạt bài nóng hổi của Nhóm PV điều tra trang VietNamNet.

Bauxite Việt Nam


Trên đe dưới búa!

- UBND huyện Nguyên Bình có bất ngờ trước việc tỉnh Cao Bằng cấp giấy phép cho Công ty Cổ phần chuyển giao công nghệ quốc tế ASEAN khai thác vàng trên đất nông nghiệp của người dân xã Tam Kim hay không, thưa bà?

Thực ra thì cũng không bất ngờ lắm. Có điều lúc họ đến lập dự án, khảo sát thì cả huyện và xã đều không biết. Chỉ đến sau khi lập xong dự án, đến công đoạn thẩm định thì mới bắt đầu mời huyện tham gia. Sau khi có quyết định thu hồi đất thì huyện mới biết và buộc phải chấp hành quyết định từ trên xuống.

Sau khi có quyết định của tỉnh, chúng tôi đã tiến hành họp dân để công bố các quyết định của tỉnh: đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB), hoàn thổ... Tuy nhiên, người dân vẫn không nghe. Sau đó, huyện đã nhiều lần họp bà con và có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhưng người dân vẫn không thèm nghe, bỏ về hết.

clip_image002

Bà Mã Thị Ình (Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình) cho rằng: một trong những lý do khiến người dân ở xã Tam Kim phản đối là vì dự án này lấy vào đất nông nghiệp quá nhiều.

Đáng lẽ ra, sau khi có chủ trương lập dự án khai thác vàng tại đây thì phía tỉnh phải có sự phối hợp ban đầu với huyện và xã.

Đây là một trong những nguyên nhân, cộng thêm với việc lấy vào đất nông nghiệp (NN) nên dân không ủng hộ, không thèm hợp tác.

- Quan điểm của huyện về dự án này như thế nào?

Nguyên Bình có rất nhiều điểm khai thác khoáng sản. Từ xưa đến nay, người dân vẫn thường chấp hành đầy đủ quyết định của UBND tỉnh. Tuy nhiên, riêng điểm Tam Kim, vì rơi vào vị trí có quá nhiều diện tích đất NN nên người dân mới phản đối.

Ở các điểm khác, doanh nghiệp (DN) thường vào để tự thỏa thuận với người dân, tiến hành đền bù, GPMB… không vướng mắc ở đâu cả.

Trong số 13 ha diện tích bị thu hồi, có tới 7 ha đất NN, số còn lại là đất bãi bồi và đất lòng sông. Theo dự án này thì nhiều hộ còn mất luôn cả đất ở. Vừa mất đất NN, vừa mất đất ở nên người dân đã phản đối.

Chính vì vậy nên việc GPMB gặp rất nhiều khó khăn. Chưa có dự án nào lại triển khai khó khăn như dự án này, ròng rã đã gần 3 năm trời mà vẫn chưa xong.

Người dân bây giờ gần như là bất hợp tác chứ không lắng nghe gì nữa. Chúng tôi cũng rất khó xử lý, bởi chúng tôi là cấp trung gian, ở giữa. Trên thì tỉnh thúc ép triển khai, dưới thì người dân không nghe.

Khi đã có quy từ cấp trên mà chúng tôi không triển khai thì cũng không đúng, mà triển khai trong tình hình người dân bất hợp tác thì rất là khó. Trước tình hình như vậy, vừa rồi Thường vụ Huyện ủy đã có báo cáo xin ý kiến Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh Cao Bằng.

Mặc dù đã có ý kiến của lãnh đạo huyện gửi lên tỉnh nhưng phía UBND tỉnh vẫn có văn bản chỉ đạo huyện sớm tiến hành GPMB. Hình như phía Tỉnh ủy cũng đã có văn bản kiến nghị sang UBND tỉnh.

Vừa rồi, anh Hà Ngọc Chiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy có vào huyện rồi xuống gặp dân. Đến giờ tôi vẫn không biết là có tiếp tục làm nữa hay không. Nhưng cách đây 3 ngày, tôi có nhận được một văn bản của tỉnh có nội dung: sẽ điều chỉnh, xem xét về vấn đề mỏ vàng tại Tam Kim.

Không biết sẽ điều chỉnh theo hướng thu hẹp hay mở rộng nhưng tôi không biết là dân có cho làm hay không?

- Bà nghĩ như thế nào khi lãnh đạo xã cũng như người dân đều kịch liệt phản đối chủ trương của tỉnh, kiên quyết không cho DN tiến hành khai  thác; đích thân Chủ tịch xã Tam Kim tuyên bố sẵn sàng từ chức để bảo vệ đất NN, bảo vệ quyền lợi cho người dân?

clip_image003

Toàn bộ diện tích gần 13 ha đất NN tại thôn Pắc Dài đã được UBND tỉnh Cao Bằng thu hồi để giao cho DN tiến hành khai thác vàng. Số diện tích này nhiều khả năng sẽ bị xóa sổ khỏi quỹ đất NN nếu như dự án được triển khai.

Xã cũng có nói: một khi dân đã phản ứng như vậy thì cũng nên xem xét lại, đặc biệt là việc thu hồi đất NN của người dân. Tất nhiên là phía tỉnh đã có quyết định buộc phải làm thì chúng tôi phải làm. Nhưng làm ở mức độ nào thì chúng tôi cũng buộc phải suy nghĩ, để cho dân có cái ăn.

Nếu như cưỡng chế thì sẽ gặp phải sự phản ứng kịch liệt của dân, và sẽ gây nên bức xúc cho xã hội. Mà điều đó thì chúng tôi không muốn. Cho nên vừa rồi chúng tôi mới xin ý kiến của Ban thường vụ Tỉnh ủy để xem cấp trên có ý kiến như thế nào về việc thu hồi đất.

Về tuyên bố của chủ tịch xã Tam Kim, tôi nghĩ là có 2 lý do: thứ nhất là mỏ được cấp trên một diện tích đất nông nghiệp quá lớn; thứ 2 là anh Hải bị người dân chèn ép, cô lập.

Tóm lại, theo tôi, nếu dân đã như thế thì dự án này không nên khai thác ở đây, vì ảnh hưởng đất nông nghiệp nhiều quá.

- Theo bà, chủ trương cho DN khai thác trên diện tích đất NN như vậy thì có đúng hay không?

Ở đây, tôi thấy một số hộ mất hoàn toàn đất nông nghiệp thì nên xem xét. Tôi rất khó có thể nói là dự án này vào Tam Kim hợp lý hay không hợp lý. Nhưng mà vào đất NN nhiều như thế, một số hộ lại mất hoàn toàn đất NN thì tôi nghĩ là chưa hợp lý lắm.

Với lại, từ xưa đến nay chưa có một dự án nào tiến hành hoàn thổ trên đất nông nghiệp cả.

"Nói thẳng ra là có việc chạy dự án"

- Việc HTX Vận tải Chiến Công được cấp phép khai thác ngay dưới thượng nguồn khu vực rừng sinh thái Phia Oắc, Phia Đén, phía huyện có phản đối hay không?

Ngay từ cái hôm đi thẩm định dự án, tôi đã có ý kiến phản đối ngay. Bởi vì trước đó, huyện cũng đã có công văn gửi UBND tỉnh với nội dung: khu vực đó, tỉnh đã giao nhiệm vụ cho huyện để quy hoạch.

Muốn giữ khu vực này thành khu vực rừng tự nhiên, để sau này thực hiện dự án xây dựng khu rừng sinh thái thì không nên cấp mỏ, vì nó sẽ phá hủy môi trường, môi sinh ở khu vực đó.

clip_image004

Khu vực rừng phòng hộ này đang đứng trước nguy cơ bị bức tử bởi những quyết định cấp phép của tỉnh Cao Bằng.

Tại cuộc họp hôm thẩm định dư án do Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TNMT tỉnh Cao Bằng) chủ trì, tôi đã nói rõ: phía huyện có văn bản đề nghị các đồng chí xem lại việc cấp mỏ cho DN Chiến Công.

Tuy nhiên, sau hơn 10 ngày, tôi lại nhận được quyết định cấp mỏ.

- Lý do mà bà phản đối việc cấp mỏ tại đây?

Tháng 7/2008, tại Quyết định số 1246, tỉnh đã giao nhiệm vụ cho huyện Nguyên Bình xây dựng thiết kế bảo vệ khu vực rừng tự nhiên này. Sau đó, Thường vụ Huyện ủy huyện Nguyên Bình đã có công văn số 553 (CV/HU ngày 16/6/2009 về việc Bảo vệ khu du lịch sinh thái Phia Đén, Phia Oắc) kiến nghị UBND tỉnh quan tâm, giữ khu vực này bằng cách không tiến hành cấp mỏ cho DN.

Tôi nghĩ cả tỉnh Cao Bằng không có khu rừng nào như thế nên phải giữ.

Trong khi đó, HTX Vận tải Chiến Công lại được cấp mỏ ở phía thượng nguồn. Nguồn nước tại đây sẽ chảy xuống địa bàn xã Phan Thanh, rồi dưới nữa là thủy điện Hoa Thám và rất nhiều hộ dân sử dụng nguồn nước này.

Thậm chí, tỉnh còn cấp đè lên diện tích đất đã giao cho DN nuôi cá hồi khiến họ cũng phản ứng dữ dội.

- Vì sao một dự án mà phía huyện cũng phản đối, DN cũng phản đối, lại cấp ngay khu vực rừng đặc dụng mà UBND tỉnh Cao Bằng vẫn cấp phép. Liệu có gì khuất tất trong việc này không, thưa bà?

clip_image005

Liệu việc xây dựng, bảo tồn khu rừng sinh thái có tiến hành được hay không khi vẫn có những mỏ khai thác cao lanh được tỉnh cấp phép cho DN khai thác ngay cạnh khu rừng này?

Tôi nghĩ, cơ quan tham mưu là Sở Tài nguyên - Môi trường không làm tròn trách nhiệm nên mới có tình trạng cấp mỏ chồng lên mỏ. Thứ 2, họ không tiến hành xem xét đến nơi, đến chốn. Họ cứ nhìn, cứ vẽ, không đến tận nơi.

Bởi nếu khai thác, 2 vạt rừng dốc thẳng đứng dọc khe suối sẽ lở hết. Và dân ở dưới khu vực chân núi Phia Oắc, Phia Đén sẽ không dùng được nguồn nước này để sản xuất và sinh hoạt. Thứ 3, địa hình ở khu vực này toàn đá, đến khi khai thác xong thì chỉ còn đá lởm chởm.

Sau này, nếu DN khai thác xong thì còn lâu mới hoàn thổ được. Làm sao có thể hoàn thổ được với địa hình như vậy?

- Có nghĩa là bà cũng không hiểu vì sao UBND tỉnh lại cấp mỏ cho đơn vị khai khoáng mặc dù đã có ý kiến phản đối của huyện?

Tôi cũng chẳng hiểu làm sao nữa. Cấp trên ra quyết định cấp phép, chúng tôi là cấp dưới phải thực hiện. Tôi đã có ý kiến phản đối cấp phép. Phía tỉnh chẳng những không có văn bản trả lời huyện mà vẫn ký QĐ cấp phép. Cả một tập thể huyện đã có văn bản không đồng ý cấp phép thì tỉnh cũng phải xem xét chứ.

Sau khi có công văn của huyện, đã có Nghị quyết của HĐND tỉnh về vấn đề này. Tuy nhiên, tỉnh vẫn cấp phép cho HTX Vận tải Chiến Công khai thác 2 mỏ mangan và chì kẽm.

- Về QĐ số 1246 UBND tỉnh giao nhiệm vụ huyện Nguyên Bình là đơn vị thực hiện dự án xây dựng khu sinh thái – du lịch Phia Oắc, Phia Đén vào tháng 7/2008, UBND huyện Nguyên Bình có thực hiện được không?

Chúng tôi vẫn làm. Tuy nhiên cấp phép mỏ cho HTX Vận tải Chiến Công tại Tài Soỏng (xã Phan Thanh) sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dự án mà chúng tôi đang triển khai vì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến khu du lịch sinh thái, làm mất cảnh quan môi trường.

clip_image006

Việc xây dựng, bảo vệ khu vực rừng nguyên sinh Phia Oắc, Phia Đén đang là  bài toán nhức đầu đối với lãnh đạo huyện Nguyên Bình khi UBND tỉnh Cao Bằng vẫn không ngừng cấp mỏ cạnh khu rừng này.

Khi đã khai thác là sẽ mất hết cây cối, ảnh hưởng đến nguồn nước, 100% các xóm của xã Phan Thanh đều sử dụng nguồn nước ấy cũng sẽ bị ảnh hưởng. Khi khai thác xong khu vực ấy sẽ chỉ còn đá.

Hàng trăm năm nay, cây rừng mới mọc được như vậy. Chỗ này chẳng qua là vấn đề "tế nhi"̣ tôi không dám nói ra thôi.

Tại sao đã có nhiều ý kiến như vậy mà vẫn cấp mỏ vào đấy, không được xem xét. Nói thẳng ra đây là việc “chạy” dự án. Tại sao đã có nhiều ý kiến như vậy mà tỉnh vẫn cấp?

Việc này, đồng chí Bí thư tỉnh ủy cũng đã có phản ứng rồi cơ mà. Tôi thấy rất lạ ở chỗ này.

- Theo bà, nếu “chạy" dự án thì chạy vào đâu?

Thôi, biết thế. Mảng của ai thì là người đó thôi. Người ký quyết định cuối cùng là đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Văn Páo.

Ngay cả điểm Tam Kim, hôm nọ anh Páo có gọi điện cho tôi bảo là: Dự án ở Tam Kim bây giờ như thế nào, vì sao đến bây giờ vẫn chưa bàn giao mặt bằng? Tôi nghĩ là chỗ này bàn giao mặt bằng có gì khó đâu? Đề nghị đồng chí bàn giao một phần trước cho doanh nghiệp.

Tôi chỉ biết trả lời rằng: đã xin ý kiến của thường vụ tỉnh ủy nhưng chưa được trả lời, phải chờ ý kiển của tỉnh ủy cái đã. Anh ấy bảo: thế bây giờ UB tỉnh chỉ đạo không phải là cấp trên chỉ đạo à? Tôi lại nói: em không phải là không triển khai nhưng vấn đề là dân có đồng tình hay không mới là quan trọng.

- Những mỏ do UBND tỉnh cấp phép khai thác, có bao nhiêu mỏ khai thác có hiệu quả?

Chắc là được gần một nửa. Có nghĩa là một nửa đó thì nên cấp phép, số còn lại thì không nên cấp.

- Xin cảm ơn bà.

Nhóm PV Điều tra (thực hiện)


(Còn tiếp)

Nguồn: http://vietnamnet.vn/psks/201005/Tiet-lo-dong-troi-chuyen-chay-du-an-o-Cao-Bang-910354/

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn