Sửa luật lặt vặt

Ko Ko Thett

Báo The Irrawaddy, Courrier Interrnational đăng lại ngày 17.03.2010.
Cuối cùng, thật khó mà BVN có thể đứng ngoài các diễn biến xảy ra trong khu vực. Thế mà đó lại là điều lâu nay BVN vì quá bận bịu với những thông tin khác, nên gần như quên bẵng không chia sẻ và an ủi người dân nước láng giềng ASEAN phải gánh chịu những điều khó chịu thuộc Lịch sử rồi sẽ được Khoa học Lịch sử (ngành chép Sử) phanh phui.
Dĩ nhiên, ai cũng biết rằng Lịch sử là dòng chảy dửng dưng không ngừng, trong khi cuộc sống của những con người làm Khoa học Lịch sử (người chép Sử) thì lại hữu hạn. Chính vì thế mới cần ghi lại những thông tin, để cho dù có cả triệu triệu người quên thì vẫn còn có chỗ bám víu cho những người muốn nhớ.
Phạm Toàn dịch và chú thích

Có chịu tham gia tuyển cử hay không, nếu tham gia thì tô vẽ cho một nền dân chủ giả vờ, nếu không thì có nguy cơ bị biến. Lớp quân nhân cầm quyền ở Myanmar đã áp đặt thế tiến thoái lưỡng nan đó cho phe đối lập, và nhờ việc này, họ sắp sửa giành được thắng lợi kéo dài cánh tay sắt ra một cách hoàn toàn đúng luật.



Nước Myanmar ngày nay là một trong những nền chuyên chế hà khắc nhất trên thế giới trong tay một nhóm tướng lĩnh. © AFP
Nếu như có một điểm chung nào giữa tất cả các chế độ toàn trị thì đó là cái nguyện vọng chung của họ muốn thủ tiêu phe chống đối bất kể nó thuộc kiểu gì. Hội đồng Nhà nước tìm kiếm hòa bình và phát triển nước Miến Điện (SPDC) không là ngoại lệ. Nhóm quân nhân cầm quyền chẳng hề thiếu ý muốn cùng các phương tiện để đè bẹp phe đối lập có tổ chức ở các thành phố – trong đó tổ chức tập hợp đông đảo hơn cả là Liên đoàn Dân chủ quốc gia (LND) -, điều đáng ngạc nhiên ấy là phe quân nhân đó đã không chỉ đơn giản nghĩ đến đàn áp.

Sắp tới kỳ tuyển cử trong cả nước, hiển nhiên là phe cầm quyền đang đắn đo trước những phản ứng họ có thể bắt gặp. Có điều là cách trả lời của họ bao giờ cũng nghiêng hẳn về phía dùng cánh tay sắt để xử lý đảng đối lập. Tất cả mọi người đều biết rằng, đứng trước một mối hiểm nguy rành rành và tức thời, kiểu như một cuộc toàn dân nổi dậy, phe quân nhân đã làm mọi điều để bịt miệng tất cả những ai chống đối.
Có điều là, Liên đoàn Dân chủ quốc gia (LND) do bà Aung San Suu Kyi làm Chủ tịch lại là một trường hợp đặc biệt. Cuộc chiến tranh tiêu hao lực lượng giữa Hội đồng Nhà nước SPDC và Liên đoàn Dân chủ LND nhất định phải mang tính chất hợp pháp. Là một thực thể hợp pháp muốn giành chính quyền thông qua con đường bầu cử, Liên đoàn Dân chủ LND không bao giờ rời xa đường lối họ đã định. Và nếu Hội đồng SPDC có định tiêu diệt Liên đoàn Dân chủ thì cũng phải chơi đúng luật.
Điều đó lý giải vì sao ban lãnh đạo đảng đối lập (tức Liên đoàn Dân chủ LND) đã chọn con đường không tham gia cuộc “cách mạng màu củ nghệ” [gọi theo tên màu áo của các nhà sư hồi tháng 9 năm 2007 tổ chức phong trào chống đối và đã bị đàn áp tàn bạo cho thảm bại]. Ta cũng hiểu vì sao phe quân nhân cầm quyền lại không cấm Liên đoàn Dân chủ LND hoạt động mặc dù họ cứ luôn miệng lên án đảng này là có liên hệ chặt chẽ với các tổ chức chính trị “thù địch”.
Kể từ hồi năm 1993 Liên đoàn Dân chủ LND rời bỏ tiến trình soạn thảo lại Hiến pháp dưới bàn tay chỉ huy của “Quốc hội”, không thấy có dấu hiệu gì chứng tỏ phe quân nhân cầm quyền muốn cho Liên đoàn này quay lại cả. Trên thực tế, phe quân nhân đã hết kiên nhẫn, và họ tìm mọi cách để đẩy tổ chức chính trị của bà Aung San Suu Kyi ra ngoài các giới hạn hợp pháp. Nhưng, do chỗ họ là những kẻ lành nghề trong việc tiến hành chiến tranh tiêu hao, nên phe quân nhân cầm quyền thấy thích hợp hơn cả là thanh toán phe thù địch mà vẫn tôn trọng các giải pháp hợp pháp.
Ban đầu, họ cố công cố sức làm cho các thành viên Liên đoàn Dân chủ LND sống dở chết dở. Trong hai chục năm qua, có vô vàn bằng chứng về một cuộc đàn áp tinh vi tỉ mỉ trúng đích chống lại các nhà lãnh đạo LND ở cấp cơ sở và cả gia đình họ trên khắp đất nước. Chừng nào họ còn nằm trong Liên đoàn Dân chủ LND thì họ không có nguồn sống để cuối cùng thì phải rời bỏ đảng của họ thôi. Tiếp đó là những cuộc hạ nhục công cộng và dùng các tổ chức quần chúng của Hội đồng quốc gia SPDC và Ủy ban Phát triển Đoàn kết USDA để các tổ chức này kết án các nhà lãnh đạo Liên đoàn Dân chủ LND.
Tiếp theo một loạt “sáng kiến” theo hướng đó vào giai đoạn cuối những năm 1990 là việc bắt buộc đóng cửa các văn phòng Liên đoàn Dân chủ LND ở các tỉnh, sao cho bộ tham mưu đảng này ở thủ đô Rangoon hoàn toàn mất đi sự ủng hộ của các địa  phương [300 văn phòng bị đóng cửa vào năm 2003 sau vụ tấn công một đoàn xe trong đó có bà Aung San Suu Kyi, vào ngày 8 tháng 3 vừa qua đã được lệnh mở lại sau khi người ta công bố các điều luật bầu cử mới].
Cuối cùng, đây là điều cũng khá thú vị, ấy là trong tất cả những hành động chống lại Liên đoàn Dân chủ LND hoặc vào các tổ chức chống đối khác, phe quân nhân cầm quyền bao giờ cũng viện dẫn một lý do gì đó thuộc về Luật để mà thanh minh biện hộ cho họ.
Mới đây thôi, hai lãnh đạo cao nhất Liên đoàn Dân chủ LND là Win Tin và Tin Oo đều được trả tự do, một người vào tháng Chín 2008 và một người vào tháng Hai 2010, còn bà Suu Kyi thì vẫn bị quản thúc tại nhà. Đó là một quyết định có tính toán kỹ lưỡng nhằm chia rẽ nội bộ bạn lãnh đạo Liên đoàn Dân chủ LND. Cho tới nay, những ai còn lại trong Liên đoàn thì đều biết chiến đấu và có tinh thần chiến đấu. Họ không còn nhiều lắm,  nhưng họ là những con người đáng được chiêm ngưỡng hơn cả.
Trong số những tổ chức đã sẵn sàng tham gia vào trò chơi tuyển cử, không có mấy tổ chức có thể sánh được với Liên đoàn Dân chủ LND về tinh thần hy sinh và sự liêm khiết về chính trị. Trong tình hình đó, chẳng có gì lạ hết nếu như Đảng LND không nằm trong các dự kiến tương lai của phe quân nhân cầm quyền. Thế nhưng, thật là điều nghịch lý, cái chế độ cai trị ở nước Miến Điện, cái chế độ bao giờ cũng đạp lên đầu Luật pháp, lại là cái chế độ luôn luôn bị ám ảnh vì tính hợp pháp.
Bộ luật mới về tuyển cử nay đang mang lại cho họ một cái cớ để cấm đảng Liên đoàn Dân chủ LND hoặc là khai trừ bà Suu Kyi ra khỏi đảng đó. Thế là quả bóng từ nay ở bên sân của phe đối lập. Đảng LND này có dưới sáu chục ngày để suy nghĩ về tương lai của mình [đến ngày 29 tháng Ba, họ phải tuyên bố có tham gia hay không vào cuộc tuyển cử]. Bất kể quyết định của Liên đoàn Dân chủ LND như thế nào, cánh tay sắt nắm quyền lực cũng sẽ không hoàn toàn như trước được nữa. Người chia bài như vậy là sẽ bị thay, và ngay cả các bên đối chọi nhau cũng không còn như cũ nữa.
Nguồn: http://www.courrierinternational.com/article/2010/03/17/petits-arrangements-avec-la-loi
Chú thích
Tác giả bài viết, ông Ko Ko Thett là một nhà nghiên cứu về chính trị sống tại Helsinki (Phần Lan).
Tờ báo The Irrawaddy mang tên con sông  lớn của nước Myanmar (Miến Diện). Đây là tờ báo đối lập với nhóm quân nhân cầm quyền nước Myanmar ra đời năm 1993. Tòa soạn của báo này đặt ở tỉnh Chiang Mai của Tháï Lan gồm những cựu sinh viên đại học lưu vong để tránh bị đàn áp.
Ban đầu, báo này in khổ nhỏ, ra nửa tháng một kỳ. Ngày nay báo The Irrawaddy xuất bản  từ 10 đến 11 số mỗi năm trên khổ lớn dành cho tạp chí và bìa in màu. Ban biên tập của báo đóng ở miền Bắc Thái Lan gồm các sinh viên đại học lưu vong tránh đàn áp sau các cuộc biểu tình năm 1988. Bạn đọc của báo này phần lớn là các nhà ngoại giao, các nhà báo, những người Miến Điện lưu vong và các chiến sĩ đấu tranh cho nền dân chủ của Myanmar. Tờ báo nhận được tài trợ từ nhiều tổ chức quốc tế khác nhau.

Sáng lập:

Nguyễn Huệ Chi - Phạm Toàn - Nguyễn Thế Hùng

Điều hành:

Nguyễn Huệ Chi [trước] - Phạm Xuân Yêm [nay]

Liên lạc: bauxitevn@gmail.com

boxitvn.online

boxitvn.blogspot.com

FB Bauxite Việt Nam


Bài đã đăng

Được tạo bởi Blogger.

Nhãn